Xây dựng nông thôn mới thành những miền quê đáng sống
Xây dựng miền quê đáng sống
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư vừa ký ban hành Kế hoạch 328/KH-UBND về truyền thông phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2023 - 2025. Mục tiêu chung là góp phần đưa chủ trương, chính sách, định hướng, nội dung về thực hiện chương trình vào cuộc sống, tạo đồng thuận trong triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh; góp phần chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức, cải thiện năng lực cho cán bộ, đảng viên, người dân và cộng đồng dân cư trong xây dựng NTM.
Qua truyền thông, phát huy sức mạnh toàn dân, tinh thần đoàn kết và vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng NTM theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đồng thời, huy động sự tham gia của tổ chức chính trị - xã hội, tạo đồng thuận và đồng lòng, cùng chung sức xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, để các địa phương đạt chuẩn NTM trở thành những “miền quê đáng sống”.
UBND tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện có ít nhất 2 chuyên mục được phát sóng hàng tháng trên đài truyền thanh huyện; có chuyên trang, chuyên mục về nội dung truyền thông, tuyên truyền chương trình NTM và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); 100% xã có ít nhất 4 chương trình phát thanh/tháng về xây dựng NTM, OCOP trên hệ thống truyền thanh.
Mỗi năm, tỉnh tổ chức tối thiểu 1 cuộc thi về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; tổ chức tối thiểu 10 diễn đàn, tọa đàm, đối thoại chuyên sâu về các chủ đề liên quan đến NTM, OCOP. Hàng năm, xây dựng ít nhất 1 chuyên mục được phát sóng hàng tuần trên Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang và ít nhất 1 chuyên trang trên Báo An Giang về NTM và OCOP.
Tuyên truyền sâu rộng
Ông Trần Anh Thư yêu cầu, trong công tác truyền thông, chú trọng xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, hướng đến “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp”. Từ đó, chuyển đổi tư duy cho cán bộ cơ sở, cộng đồng và người dân nông thôn về phát triển kinh tế theo hướng: Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn, phát triển chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, phát huy tính đa giá trị của nông nghiệp, nông thôn, phát triển bền vững; có trách nhiệm, thích ứng với biến đổi khí hậu gắn nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ; phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.
Song hành với xây dựng NTM là triển khai hiệu quả chương trình OCOP, phát triển ngành nghề nông thôn, sản phẩm OCOP xanh; nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh sản phẩm OCOP, hỗ trợ khởi nghiệp, sáng tạo.
Toàn tỉnh tập trung triển khai chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới xây dựng NTM thông minh; kết nối cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm gắn với thương mại điện tử. Các địa phương quan tâm triển khai chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM, tăng cường hoạt động trải nghiệm du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP.
Đồng thời, triển khai chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM, đảm bảo môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn. Bên cạnh đó, xây dựng hình ảnh về “Người dân nông thôn chuyên nghiệp”, gắn với sáng kiến: “Mỗi nông dân là một thương nhân”, “Người lãnh đạo cộng đồng”…
Trong công tác truyền thông, UBND tỉnh yêu cầu chuẩn hóa hệ thống nhận diện thông qua biểu trưng NTM và OCOP. Theo đó, biểu trưng (logo) của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là: Biểu trưng hình tròn, bên trong chia làm nhóm hình (lồng dòng chữ “Nông thôn mới”) và nhóm chữ cái “Nông thôn mới”. Hình tượng hạt gạo có nhóm chữ cái “Nông thôn mới” được biến tấu thành những tòa nhà cao tầng, ống khói nhà máy đang vươn lên giữa cánh đồng; màu sắc chủ đạo là màu vàng (tô nền bông lúa), viền màu xanh lá cây, các ký tự “NTM” trên nền màu trắng.
Đối với logo OCOP, có nhóm 4 chữ cái viết hoa và nhóm chữ tiếng Anh viết hoa. Màu sắc và ý nghĩa của các chữ cái viết hoa: Màu nâu (chữ O) tượng trưng cho đất, nền tảng của sản xuất, cuộc sống của làng xã; màu xanh lá cây (chữ C) tượng trưng cho sản xuất nông nghiệp và phát triển bền vững; màu xanh dương (chữ O) tượng trưng cho tài nguyên nước, biển và các sản phẩm thủy sản; màu vàng (chữ P) tượng trưng cho lợi ích, lợi nhuận của chương trình mà mỗi người dân, tổ chức tham gia hưởng lợi; màu đỏ là màu sắc chủ đạo của nhóm chữ tiếng Anh viết hoa (ONE COMMUNE ONE PRODUCE OF VIETNAM). Thông điệp chung (slogan) của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 là: “Nông thôn mới có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc”.
Hàng năm, có ít nhất 2.000 lượt cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã được tập huấn kiến thức và kỹ năng tuyên truyền và truyền thông, nghiệp vụ báo chí (phương pháp viết tin, bài), về sáng tác, biên tập tiết mục, chương trình thông tin cổ động xây dựng NTM và chương trình OCOP. |
NGÔ CHUẨN