An Giang: Tạo sức bật từ các chương trình mục tiêu quốc gia

16/12/2022 - 06:54

 - “Tỉnh An Giang đã thực hiện tốt công tác kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh giai đoạn 2021-2025; đã lãnh, chỉ đạo, triển khai quyết liệt công việc” - đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân tại buổi làm việc về tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 tại tỉnh An Giang.

Những điểm sáng

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang Trương Ngọc Hưng, thực hiện Quyết định 652/QĐ-TTg, ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của 3 chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới (NTM); giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi); ban hành quyết định phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Theo UBND tỉnh, tổng kế hoạch vốn thực hiện 3 chương trình trên 3.450 tỷ đồng. Riêng năm 2022, trên 763 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và trên 194 tỷ đồng vốn sự nghiệp được phân bổ thực hiện.

Năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bằng sự tập trung chỉ đạo của các cấp, ngành, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đạt kế hoạch đề ra (giảm từ 1-1,2%); phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (giảm từ 3-4%). Toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn huyện NTM hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (huyện Thoại Sơn, TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc). Đã có thêm 8 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 68 xã, đạt tỷ lệ 58,6% (dự kiến cuối năm 2022 có thêm 6 xã đạt chuẩn); 27 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga đánh giá cao những điểm sáng của An Giang trong việc kết nối hàng hóa OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) vào hệ thống kênh phân phối. Tỉnh An Giang đã chuyển thành công từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, như mô hình Lộc Trời; cơ sở trồng cây sung Mỹ - mô hình tiêu biểu trong nắm bắt cơ hội thị trường, cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập; kết nối giữa các ngành trong phát triển thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, An Giang đã xây dựng mô hình thí điểm xã NTM nâng cao từ năm 2020 - với mô hình xã Định Thành (huyện Thoại Sơn), khi xã hội hóa, cải tạo chợ theo mô hình an toàn thực phẩm.

Tham quan mô hình trồng sung Mỹ ứng dụng công nghệ cao

Đề xuất tháo gỡ khó khăn

“Liên quan đến vấn đề hạ tầng thương mại nông thôn - tiêu chí số 7 trong xây dựng NTM, hiện An Giang mới có 68/116 xã đạt (chiếm 58,6%); trong khi ĐBSCL đạt 89,5% và cả nước đạt 91,1%. Do đó, rất mong địa phương quan tâm, tháo gỡ để phấn đấu 100% xã đạt tiêu chí này” - bà Lê Việt Nga đề nghị.

Theo UBND tỉnh, hiện nay, các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia thông qua 118 văn bản quản lý điều hành, tổ chức thực hiện (trong đó 93 văn bản do cấp bộ, ngành hướng dẫn). Để địa phương dễ áp dụng triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, lãnh đạo tỉnh kiến nghị xem xét tinh gọn lại văn bản hướng dẫn.

 Đồng thời, cho phép địa phương tiếp tục thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 được kéo dài sang năm 2023. Đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm trình Chính phủ phân bổ nguồn vốn sự nghiệp cho 6 chương trình chuyên đề, để các địa phương chủ động đăng ký nội dung thực hiện. Bên cạnh đó, Văn phòng Điều phối Trung ương tham mưu Thủ tướng Chính phủ sớm điều chỉnh Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 phù hợp thực tế hơn…

Hiện nay, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất hoàn thành thủ tục đầu tư, nâng cao tính khả thi của các dự án để có thể triển khai ngay từ đầu năm 2023, tích cực giải ngân vốn đầu tư công, không để chậm trễ là một trong những giải pháp chủ yếu được tỉnh An Giang đề ra.

Cùng với đó là tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu đơn vị trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân dự án, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, tiêu chí xem xét đánh giá, đề xuất khen thưởng đối với chủ đầu tư hoàn thành tốt kế hoạch vốn được giao. Song song đó, phê bình, rút kinh nghiệm đối với đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp, làm rõ trách nhiệm và đề ra giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chia sẻ những khó khăn trong việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề nghị An Giang tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới. Năm 2023, với việc rút kinh nghiệm từ cả Trung ương và địa phương, An Giang cố gắng phân bổ, triển khai và phấn đấu giải ngân vốn đạt 90% trở lên. Việc cân đối và lồng ghép nguồn vốn các chương trình sẽ tạo sức mạnh tổng hợp, giúp địa phương triển khai hiệu quả.

Dự kiến, kế hoạch vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh năm 2023 gần 960 tỷ đồng. Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là 784 tỷ đồng; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên 126 tỷ đồng; chương trình mục tiêu quốc gia  phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên 48 tỷ đồng. Năm 2023, phấn đấu 8 xã đạt chuẩn NTM; 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 1 huyện đạt chuẩn huyện NTM và 1 huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.

PHƯƠNG LAN