An Giang tập trung hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ ngành nông nghiệp

22/07/2022 - 07:39

 - Tốc độ tăng trưởng 2,51% của ngành nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2022 là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh thị trường tiêu thụ còn khó khăn, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, thời tiết, dịch bệnh phức tạp. Bảo vệ thu hoạch vụ hè thu và đảm bảo an toàn sản xuất vụ thu đông, đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân là ưu tiên hàng đầu của ngành nông nghiệp từ nay đến cuối năm 2022.

Vượt khó tăng trưởng

Khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, sản xuất nông nghiệp từ đầu năm 2022 đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng thời tiết, dịch bệnh, đặc biệt là giá vật tư nông nghiệp, giá thức ăn chăn nuôi, giá dầu bơm tưới, vận hành máy móc, nông cụ tăng cao. Vụ đông xuân 2021-2022, năng suất lúa đạt thấp hơn 0,16 tấn/ha so kế hoạch, dù giá bán vẫn duy trì ở mức khá nhưng do chi phí đầu vào lớn nên lợi nhuận của nông dân giảm. Bù lại, giá bán cá tra nguyên liệu có dấu hiệu khởi sắc, diện tích thả nuôi, thu hoạch tăng; các loài thủy sản khác và các đàn vật nuôi, như: Trâu, bò, heo, gà, vịt… đều tăng về quy mô và giá trị.

Tốc độ tăng trưởng khu vực 1 (nông, lâm nghiệp và thủy sản) 6 tháng đầu năm 2022 đạt 2,51%, dù thấp hơn kế hoạch (2,74%) nhưng là kết quả đáng ghi nhận. Tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) khu vực 1 đạt khoảng 21.709 tỷ đồng, tăng 591,5 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trồng trọt tăng 170 tỷ đồng (kịch bản tăng 210 tỷ đồng), chăn nuôi tăng 112 tỷ đồng (kịch bản tăng 104 tỷ đồng), thủy sản tăng 326 tỷ đồng (kịch bản tăng 309 tỷ đồng). Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, để đạt tốc độ tăng trưởng cả năm 2022 là 2,7%, ngành nông nghiệp cần tăng đều cả 3 lĩnh vực là trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

Dự báo, ngành trồng trọt vẫn gặp một số khó khăn khi giá vật tư, phân bón tăng cao, một số cây ăn trái có giá bán thấp như xoài 3 màu, mít. Để đạt tăng trưởng lĩnh vực trồng trọt, phải tăng cường liên kết sản xuất và tăng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao trong vụ thu đông 2022 (cơ cấu giống lúa OM18 chiếm hơn 40% diện tích xuống giống toàn tỉnh); rà soát các mô hình công nghệ cao như dưa lưới, dưa lê. Gần 2.000ha cây ăn trái đã chuyển đổi từ năm 2019 đến nay sẽ cho sản phẩm, trong khi diện tích rau màu tăng sẽ đóng góp vào tăng trưởng.

“Có 7.991ha ở 6 huyện, thị xã, thành phố không xuống giống lúa vụ hè thu 2022, nguy cơ sẽ hụt tăng trưởng lĩnh vực trồng trọt. Đối với diện tích dự kiến xả lũ nhưng hệ thống đê bao đảm bảo an toàn, vẫn phù hợp khung lịch thời vụ thì các địa phương cần rà soát lại, tổ chức xuống giống vụ thu đông 2022 nhằm tận dụng điều kiện canh tác thuận lợi, giá lúa cao do nhu cầu lương thực thế giới vẫn lớn. Riêng đối với diện tích ngoài đê bao thì tuyệt đối không xuống giống thêm, tránh nguy cơ thiệt hại khi có lũ” - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang Nguyễn Văn Hiền lưu ý.

Kỳ vọng chăn nuôi, thủy sản

Với giá bán và thị trường thuận lợi, những tháng cuối năm 2022, sản lượng cá tra, cá giống và các loài cá có giá trị kinh tế khác sẽ tiếp tục tăng. Giá cá tra nguyên liệu đang khởi sắc trở lại, khoảng 31.000-33.000 đồng/kg (cỡ cá từ 0,8-1,2kg); giá bán cá tra giống từ 38.000-45.000 đồng/kg (loại 25-30 con/kg). Giá cá giống và thương phẩm vẫn đang ở mức cao, diện tích thả nuôi ở các cơ sở nuôi liên kết và doanh nghiệp đạt 100% sau khi thu hoạch; hộ nuôi cá đã thực hiện thả giống vào các ao nuôi khoảng 90%, kéo nhu cầu con giống cá tra tăng theo. Dự báo sản lượng cá tra thu hoạch sẽ tăng trong các quý III và IV, vượt kế hoạch tăng trưởng năm 2022.

Đối với chăn nuôi, trên địa bàn tỉnh hiện có 7 xã thuộc 4 địa phương (huyện Tịnh Biên, Thoại Sơn, Châu Phú và TP. Châu Đốc) tham gia nuôi gia công heo thịt, gà thịt và vịt thịt cho Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam. Trong đó, tổng đàn heo thịt tại 3 trại nuôi gia công 10.200 con; tổng đàn gà thịt đang nuôi tại 5 trại đạt 190.000 con; vịt thịt 30.000 con/trại. Một số trại chăn nuôi gà thịt, heo thịt liên kết với C.P hiện đã tăng quy mô chăn nuôi, dự kiến sản lượng sản phẩm chăn nuôi đến cuối năm 2022 tăng cao hơn so kế hoạch. Trong khi đó, đàn vật nuôi ở các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi tiếp tục tăng, khả năng đảm bảo tăng trưởng chăn nuôi năm 2022.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm yêu cầu toàn ngành tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, tổ chức triển khai tốt công tác bảo vệ thực vật, chăn nuôi và thú y trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi tiêm phòng chủ động cho đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh, chú ý bệnh cúm gia cầm, dịch tả heo Châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh, dại chó và viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Hiện nay, giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi đang tăng, gây khó khăn cho người nông dân. Để sản xuất có lợi nhuận, cần hướng dẫn nông dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật, tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản xuất. Ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp các địa phương triển khai các mô hình, chương trình, như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, SRP, ruộng lúa bờ hoa; hướng dẫn nông dân chuyển đổi sử dụng phân bón hữu cơ, phân vi sinh để thay thế phân bón vô cơ, góp phần giảm chi phí, giảm giá thành, đảm bảo nông sản đạt tiêu chuẩn an toàn, tăng lợi nhuận cho người nông dân. Đồng thời, ngành nông nghiệp định hướng sản xuất bền vững, gắn với mô hình sản xuất xen canh, cho đất nghỉ ngơi, vừa đảm bảo lợi nhuận cho nông dân, vừa tăng trưởng hợp lý.

NGÔ CHUẨN