An Giang thúc đẩy tăng trưởng chăn nuôi năm 2023

10/07/2023 - 06:47

Sau giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, ngành chăn nuôi An Giang đang phục hồi tốt, tổng đàn gia súc, gia cầm tăng lên. Tỉnh đang hỗ trợ triển khai nhiều dự án khuyến khích chăn nuôi lớn, ứng dụng công nghệ cao, phát triển các hình thức liên kết, liên doanh, nông trại.

Phục hồi tốt

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang Trần Tiến Hiệp cho biết, theo thống kê từ hệ thống quản lý thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam đầu năm 2023 đến nay, tình hình dịch bệnh của đàn vật nuôi cả nước diễn biến phức tạp và xảy ra trên diện rộng. Trong đó, bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại 8 tỉnh; bệnh dịch tả heo Châu Phi xảy ra tại 33 tỉnh, với 145 ổ dịch; bệnh lở mồm long móng xảy ra tại 9 tỉnh; bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 7 tỉnh; bệnh dại xảy ra ở 26 tỉnh, với 115 ổ dịch.

Tại ĐBSCL, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xuất hiện tại tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre; dịch tả heo Châu Phi tại tỉnh Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cà Mau; bệnh dại xảy ra ở tỉnh Cà Mau, Đồng Tháp, Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng; bệnh lở mồm long móng ở tỉnh Bến Tre.

Với nhiều nỗ lực, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở An Giang được kiểm soát, các loại dịch bệnh nguy hiểm, như: Dịch tả heo Châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục… được khống chế, tạo sự yên tâm cho người chăn nuôi.

Đến tháng 6/2023, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh có khoảng 126.600 con; đàn trâu, bò khoảng 69.200 con, giảm 1.100 con (trong đó đàn bò 67.000 con, giảm 1.000 con); đàn gia cầm khoảng 6,4 triệu con, tăng 402.000 con (trong đó đàn gà hơn 2,5 triệu con, tăng 456.000 con, chủ yếu do tăng đàn gà của các doanh nghiệp). Đến nay, ước có 1.226 nhà nuôi chim yến, tăng 246 nhà so cùng kỳ 2022.

Hiện nay, An Giang có 142 trang trại chăn nuôi heo, với 27.965 con; 626 trang trại chăn nuôi bò, 10.388 con; 14 trang trại nuôi gà, 270.500 con và 173 trang trại nuôi vịt, với 622.196 con. Đến tháng 6/2023, tỷ lệ tiêm phòng vaccine còn bảo hộ đối với bệnh lở mồm long móng là 81%, viêm da nổi cục 83%, bệnh dại chó 96%, tỷ lệ bảo hộ đối với đàn vịt 147%, đàn gà 85%. Cán bộ thú y các cấp đã can thiệp, điều trị số bệnh: Cảm nóng say nắng, bỏ ăn, Ecoli, tụ huyết trùng, phó thương hàn… với tỷ lệ điều trị khỏi 99,8%.

Hỗ trợ đầu tư

Theo ông Trần Tiến Hiệp, với tiến độ phục hồi đàn vật nuôi và sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, dự báo từ nay đến cuối năm 2023, tăng trưởng chăn nuôi tiếp tục khả quan.

Đối với heo thịt, 6 tháng cuối năm 2023, trại heo Việt Thắng (huyện Tri Tôn) xuất chuồng 18.433 con heo giống, 13.091 con heo thịt, loại 336 heo nái đẻ và bán 5.006 con heo sữa; trại heo Xanh Việt (huyện Thoại Sơn) thả nuôi 3.000 con heo thịt; ước giá trị sản xuất (GO) tăng khoảng 230,2 tỷ đồng.

Đối với vịt thịt, trại vịt tại xã Lương Phi (huyện Tri Tôn) xuất chuồng 60.000 con (2 lứa nuôi), GO tăng khoảng 4,9 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Châu Phú xuất chuồng 80.000 con gà thịt (2 lứa nuôi), GO tăng khoảng 4,4 tỷ đồng. Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang đang phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn khảo sát, xây dựng Kế hoạch thực hiện chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, phục vụ đặc sản gà đốt Ô Thum.

Đối với gà đẻ trứng, trại gà đẻ An Tâm (huyện Châu Phú) có quy mô 5.000 con; trại gà đẻ tại xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới) quy mô 4.500 con; sản lượng trứng trong 2 quý cuối năm 2023 ước khoảng 950.000 trứng, GO tăng khoảng 3,23 tỷ đồng. Riêng sản phẩm yến, tăng khoảng 900kg tổ yến, GO ước tăng 11,7 tỷ đồng.

Hiện nay, tỉnh đang tích cực hỗ trợ Công ty Cổ phần Trang trại bò sữa và Chế biến sữa công nghệ cao An Giang (thuộc Tập đoàn TH) triển khai dự án trang trại chăn nuôi bò sữa và nhà máy chế biến sữa với công nghệ hiện đại. Trong đó, dự án chăn nuôi bò sữa quy mô lớn đang được tập trung triển khai tại xã Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn).

Đối với đầu tư nhà máy bò sữa, do thay đổi địa điểm nhà máy sữa sang Khu công nghiệp Xuân Tô (TX. Tịnh Biên), ngành chuyên môn đang hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục, điều chỉnh lại quy hoạch tỷ lệ 1/500; triển khai các gói thầu xây lắp chuồng trại, các công trình phụ trợ; trồng trình diễn vùng nguyên liệu thức ăn cho bò.

Đây là dự án thuộc Kế hoạch phát triển hệ sinh thái chăn nuôi bò sữa gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang đang hoàn thiện dự thảo kế hoạch theo ý kiến đóng góp của các sở, ngành tỉnh, Công ty Cổ phần Trang trại bò sữa và Chế biến sữa công nghệ cao An Giang.

HOÀNG XUÂN