An Giang tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp

19/01/2024 - 05:23

 - Định hướng đến năm 2030, An Giang thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Trong đó, tập trung thu hút đầu tư và nâng cao vai trò của hợp tác xã (HTX) nông nghiệp.

Các doanh nghiệp của An Giang tham gia vào dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại khu vực ĐBSCL”

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang, phát huy kết quả năm 2023, việc triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh thời gian tới có nhiều thuận lợi, nhất là khi Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong các giải pháp triển khai đề án từ nay đến năm 2025, cần tập trung nguồn lực và nhiệm vụ triển khai có hiệu quả giải pháp phát triển thị trường - thu hút đầu tư và giải pháp về tổ chức lại sản xuất theo kinh tế tập thể.

Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, cùng với triển khai có hiệu quả các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định, tỉnh tiếp tục triển khai các chính sách về đất đai, tạo quỹ đất sạch và xây dựng cơ sở hạ tầng thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp và chế biến. Tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ số “nông hóa - thổ nhưỡng cây trồng - vật nuôi” phục vụ Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp; tập trung xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn, DN lớn, hỗ trợ đầu tư mở rộng trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, thương mại, dịch vụ, công nghiệp phụ trợ liên quan nông nghiệp.

Ngày 17/2/2023, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch 104/KH-UBND về triển khai Chương trình hành động thực hiện chiến lược xuất - nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn An Giang. Trong đó, chủ động nâng cao chất lượng nông sản, hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp theo yêu cầu của thị trường và có giá trị gia tăng cao. Tỉnh đang nghiên cứu, xây dựng Ban điều phối các ngành hàng chủ lực, có sự tham gia của các tác nhân trong chuỗi ngành hàng; tổng hợp thông tin dự báo nhu cầu thị trường các sản phẩm nông sản chính để đưa ra khuyến cáo phù hợp.

Thời gian tới, An Giang tập trung xây dựng nhãn hiệu cho các nông sản đặc sản, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); xây dựng hệ sinh thái liên kết hợp tác DN - HTX - nông dân cho các ngành hàng chủ lực và tiềm năng của tỉnh. Trong đó, xây dựng và triển khai 12 kế hoạch chuỗi liên kết theo từng ngành hàng một cách bền vững, thông qua thúc đẩy tổ hợp tác, HTX liên kết với DN theo các ngành hàng.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm, bên cạnh triển khai chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh (theo Nghị quyết 23/2022/NQ-HĐND, ngày 11/11/2022 của HĐND tỉnh và Quyết định 14/2023/QĐ-UBND, ngày 5/4/2023 của UBND tỉnh), tỉnh còn tăng cường mở rộng liên kết, phát triển HTX, thành viên HTX, liên hiệp HTX; phát triển mô hình liên hiệp HTX ngành hàng, Liên đoàn HTX lúa gạo vùng ĐBSCL.

Đồng thời, xây dựng thí điểm chuỗi giá trị bền vững thông qua thúc đẩy DN tham gia vào hoạt động của các HTX, như: Cùng góp vốn, công nghệ, tham gia quản lý, điều hành, phát triển kinh doanh trong HTX. Từ đó, nâng cao vai trò của HTX trong các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản; phát triển cung ứng các dịch vụ khoa học - kỹ thuật, công nghệ số, dịch vụ logistics và các loại hình dịch vụ khác phục vụ sản xuất, chế biến, kinh doanh trong HTX.

Tỉnh tiếp tục hỗ trợ tập huấn, nâng cao kỹ năng quản trị, điều hành, nghiệp vụ cho HTX nông nghiệp, triển khai chính sách thu hút lao động trẻ có trình độ cao đẳng, đại học có chuyên môn phù hợp về làm việc tại HTX. Bên cạnh đó, củng cố và nâng chất Tổ phản ứng nhanh trong nông nghiệp thành Tổ khuyến nông cộng đồng tại địa phương, nhằm thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, thúc đẩy phát triển tư duy kinh tế nông nghiệp.

Để thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, UBND tỉnh An Giang kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ An Giang trong việc giới thiệu các DN, tập đoàn lớn đến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư nhà máy chế biến nông sản; hỗ trợ tỉnh xây dựng Đề án đầu tư trung tâm đầu mối về nông nghiệp tại An Giang, có chức năng chính là thu gom, chế biến gạo, thủy sản nước ngọt, công nghiệp phụ trợ, trung tâm logistics và đào tạo nghề, góp phần nâng cao giá trị nông sản và phát triển dịch vụ logistics đối với khu vực ĐBSCL.

Đồng thời, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia hỗ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp có tính thống nhất từ Trung ương đến địa phương; đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý số, ứng dụng công nghệ số cho các cán bộ chuyên môn và lực lượng tham gia của tỉnh.

Bên cạnh Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, An Giang đề xuất Trung ương cần có chính sách đặc thù để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, phục vụ vùng sản xuất rau màu và cây ăn trái tập trung, tạo thuận lợi để nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

HOÀNG XUÂN