An Giang trao quà tiếp sức cho doanh nghiệp, người lao động trong mùa dịch

02/09/2021 - 06:49

 - Thể hiện trách nhiệm, vai trò của công đoàn, đồng thời tích cực tham gia phòng, chống dịch COVID-19, các cấp công đoàn từ tỉnh đến cơ sở liên tục hỗ trợ, chia sẻ đến đoàn viên, người lao động (NLĐ). Các chương trình chăm lo được nối tiếp và mở rộng đối tượng theo hoàn cảnh ở mỗi giai đoạn, mang lại sự ấm lòng, động viên tinh thần để họ vững tâm trong lúc khó khăn.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Thiện Phú trao bảng tượng trưng hỗ trợ đoàn viên, người lao động trong doanh nghiệp tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”

Bên cạnh xúc tiến cùng các ban, ngành hỗ trợ doanh nghiệp (DN), NLĐ được tiếp cận chế độ, chính sách từ trung ương và tỉnh, công đoàn còn kết nối, hỗ trợ kịp thời cho DN, đoàn viên, lao động theo chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và LĐLĐ tỉnh. Đặc biệt, đối với gói hỗ trợ khẩn cấp của công đoàn, qua 2 đợt đã có 800 đoàn viên, công nhân lao động (bị ảnh hưởng, khó khăn do dịch bệnh COVID-19) được nhận tiền hỗ trợ. Đợt 1, cấp tỉnh và huyện trao cho 156 đoàn viên, lao động có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Đơn cử là trường hợp chị Võ Thu Khuyên (Công ty Cổ phần Du lịch An Giang), 1 lao động trong ngành du lịch đã phải ngưng việc ở nhà từ tháng 7-2021 đến nay. Chị Khuyên cho biết: “Trong thời gian này, tôi được công ty hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng cùng với gạo, các nhu yếu phẩm; được nhận suất hỗ trợ 500.000 đồng của LĐLĐ tỉnh. Tôi rất cảm động vì có chi phí xoay sở sinh hoạt và nuôi con nhỏ”.

Công ty của chị Khuyên có 230 cán bộ, nhân viên, NLĐ. Từ thời điểm dịch bùng phát đến nay, hầu hết lao động bị ảnh hưởng thu nhập, gặp khó khăn trong đời sống. Theo ông Nguyễn Phú Phúc, Chủ tịch công đoàn cơ sở, công ty đã hỗ trợ cho lao động ngừng việc từ 1 - 1,5 triệu đồng/người/tháng và nhu yếu phẩm cần thiết.

Ngoài ra, có 33 trường hợp được nhận hỗ trợ từ gói hỗ trợ khẩn cấp của LĐLĐ tỉnh; công nhân lao động được hỗ trợ theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, là nguồn động viên rất lớn với NLĐ. “Tình hình dịch bệnh ảnh hưởng chung đến mọi lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có ngành du lịch. Lãnh đạo công ty và công đoàn cố gắng hỗ trợ cho những lao động gặp khó khăn nhất và sẽ tiếp tục duy trì hỗ trợ trong thời gian tới” - ông Nguyễn Phú Phúc cho biết.

Đầu tháng 9, LĐLĐ tỉnh An Giang tiếp tục trao đợt hỗ trợ khẩn cấp lần 2, mở rộng số lượng cũng như đối tượng là đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Trong đó, có các cán bộ, đoàn viên bị ảnh hưởng dịch bệnh là F0, F1, đang cách ly y tế, cán bộ y tế làm nhiệm vụ ở tuyến đầu…

Gói hỗ trợ lần này còn xét trao cho các đoàn viên, lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” của DN trên địa bàn tỉnh. LĐLĐ tỉnh tổ chức các đoàn đến TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, huyện Châu Phú, An Phú và Châu Thành, trao cho 105 NLĐ là các trường hợp F0, F1 và trong khu vực phong tỏa, cách ly. Mức hỗ trợ cho trường hợp F0 là 2 triệu đồng, F1 là 1 triệu đồng và các trường hợp còn lại là 500.000 đồng. Không thể trao trực tiếp, số tiền hỗ trợ được trao đại diện thông qua LĐLĐ huyện, công đoàn cơ sở và yêu cầu khẩn trương trao đến đoàn viên, NLĐ.

Theo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Thiện Phú, việc làm này thể hiện trách nhiệm của công đoàn luôn đồng hành hỗ trợ DN và đoàn viên, NLĐ trong quá trình hoạt động sản xuất, chia sẻ những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Qua đó, mong muốn công đoàn cấp huyện, công đoàn cơ sở tiếp tục quan tâm, nắm bắt tình hình để chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng trong đại dịch.

Đối với DN sản xuất “3 tại chỗ”, toàn tỉnh hiện có 32 DN trực thuộc LĐLĐ tỉnh An Giang và LĐLĐ huyện đang duy trì mô hình. Trong đó, 18 DN thuộc huyện, thị xã, thành phố nằm trong địa bàn áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mô hình sản xuất “3 tại chỗ” được xem là khả thi, vừa đảm bảo sản xuất, vừa phòng, chống dịch trong môi trường DN. Khi mới tổ chức, phát sinh nhiều bất tiện từ điều kiện cơ sở của công ty, công đoàn từng bước tham gia hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, đề xuất thêm nguồn hỗ trợ về vật chất, động viên tinh thần cho lao động an tâm làm việc.

Trong gói hỗ trợ khẩn cấp đợt 2, có 539 NLĐ thuộc 8 DN tổ chức mô hình “3 tại chỗ” được hỗ trợ, tổng số tiền 539 triệu đồng, trích từ nguồn kinh phí tích lũy của LĐLĐ tỉnh An Giang. Trong đó, có 2 công đoàn cơ sở DN trực thuộc tỉnh, 5 công đoàn cơ sở DN trực thuộc công đoàn các khu công nghiệp tỉnh và 1 công đoàn cơ sở trực thuộc thành phố - đều là các đơn vị thực hiện tốt nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn.

MỸ HẠNH