An Giang xây dựng giai cấp công nhân theo Nghị quyết 20-NQ/TW

28/03/2024 - 04:54

 - Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, đội ngũ công nhân lao động An Giang chuyển biến vượt bậc, tăng nhanh về số lượng, trình độ, bản lĩnh chính trị và đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao.

Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh An Giang có 113.642 công nhân, viên chức, lao động làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) và các thành phần kinh tế, tăng 70.969 công nhân, viên chức, lao động so năm 2008, trong đó khu vực ngoài Nhà nước có 59.792 người (chiếm tỷ lệ 52,61%).

Cơ cấu lao động chuyển mạnh từ khu vực nông thôn sang khu vực dịch vụ, công nghiệp; số đông làm việc tại các DN cổ phần và DN FDI. Thu nhập, đời sống của người lao động (NLĐ) được cải thiện qua từng năm (trung bình từ năm 2013 đến nay, tăng từ 3,3 lên 9,5 triệu đồng/người/tháng).

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh An Giang Nguyễn Nhật Tiến cho biết, dưới sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, công đoàn, đội ngũ trí thức ngày càng tăng về số lượng, tập trung chủ yếu ở các ngành khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, bưu chính viễn thông; đồng thời chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp.

Có 91.857 lượt công nhân lao động được đào tạo nghề, tập huấn về an toàn vệ sinh lao động, sát hạch tay nghề về điện, kỹ năng bán hàng, kỹ năng giao tiếp ứng xử. Một số công đoàn cơ sở ngành thủy sản, giày da, xây dựng, y tế… tích cực tham mưu tập huấn nâng cao tay nghề, tổ chức hội thi nghề tại các DN, với hàng ngàn công nhân lao động tham gia mỗi năm.

Đoàn viên công đoàn ngày càng phát triển cả số lượng và chất lượng

Những năm qua, các cấp công đoàn không ngừng quan tâm tuyên truyền giáo dục pháp luật, bồi dưỡng chính trị cho công nhân, viên chức, lao động, với hơn 1,6 triệu lượt công nhân, viên chức, lao động được tuyên truyền, trong đó có 120.000 lượt công nhân lao động được tuyên truyền pháp luật trực tiếp tại DN. Có 1.904/6.367 đoàn viên công đoàn trong các DN được công đoàn giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp.

Qua đó, công nhân lao động ngày càng nâng cao về bản lĩnh chính trị, tinh thần giác ngộ giai cấp, mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Thông qua các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, tiếp xúc cử tri chuyên đề Đoàn đại biểu Quốc hội với công nhân lao động, hội nghị NLĐ, đối thoại DN, tư vấn pháp luật... hầu hết công nhân, viên chức, NLĐ bày tỏ chính kiến, quan điểm của mình với Đảng, Nhà nước và công đoàn; đề xuất xem xét, giải đáp các thắc mắc phát sinh trong quan hệ lao động, nhu cầu về đời sống, việc làm, nhà ở, khu vực vui chơi giải trí cũng như các vấn đề về an ninh trật tự và an toàn xã hội của địa phương.

Cùng với sự lớn mạnh về tổ chức, công nhân lao động tích cực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 100% công đoàn các cấp phát động triển khai, với trên 90% đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động hưởng ứng.

Kết quả, có 60.000 sáng kiến, cải tiến kinh nghiệm, công trình phần việc, đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị làm lợi cho cơ quan, đơn vị, DN hàng ngàn tỷ đồng, trong đó công nhân lao động chiếm trên 30%. Từ năm 2013 đến nay, LĐLĐ tỉnh phối hợp Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh tuyên dương khen thưởng 619 công nhân lao động tiêu biểu có nhiều giải pháp, sáng kiến mang lại hiệu quả thiết thực cho DN, đơn vị. Đặc biệt, tổ chức 2 lần trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang tôn vinh 18 đoàn viên, công nhân lao động có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua.

Ngoài ra, có 105 công nhân nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam; 2 công nhân nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh và hàng chục công nhân trực tiếp sản xuất dự Đại hội thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động tỉnh và Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc qua các giai đoạn.

Đến nay, đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động không ngừng được nâng chất với đa dạng các hoạt động văn hóa - thể thao, như: Hội thi, hội diễn, hội thao, sân chơi công nhân cuối tuần, ngày hội thanh niên công nhân, sân chơi giờ tan ca, sinh hoạt tổ tự quản nhà trọ công nhân… thu hút trên 100.000 lượt công nhân lao động tham gia.

“LĐLĐ tỉnh còn quan tâm đầu tư xây dựng, vận hành hiệu quả Nhà Văn hóa lao động tỉnh và các thiết chế văn hóa - thể thao, Trường Mầm non Công đoàn phục vụ đoàn viên, NLĐ khu vực TP. Long Xuyên và các khu công nghiệp tỉnh, với kinh phí đầu tư trên 85 tỷ đồng, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của NLĐ. Một số DN quan tâm xây dựng, bán trả chậm hàng trăm căn nhà tập thể, tạo chỗ ở ổn định cho NLĐ.

Riêng Công ty TNHH May xuất nhập khẩu Đức Thành xây dựng 108 căn hộ chung cư bán trả chậm với giá ưu đãi cho trên 600 công nhân lao động làm việc tại đơn vị. Ngoài ra, một số DN hỗ trợ tiền thuê nhà, chi phí điện nước sinh hoạt cho trên 1.000 đoàn viên, NLĐ làm việc tại đơn vị” - ông Nguyễn Nhật Tiến thông tin.

Để lực lượng công nhân lao động trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện về mọi mặt, đáp ứng tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước, các cấp công đoàn trong tỉnh tập trung 5 giải pháp trọng tâm, gồm: Tiếp tục thực hiện tốt vai trò của công đoàn; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật cho công nhân lao động; khai thác sử dụng có hiệu quả các thiết chế được đầu tư cho công nhân lao động; đổi mới phong trào thi đua yêu nước và đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở…

MỸ HẠNH