An Giang xây dựng mô hình “3 trong 1” trong liên kết sản xuất

27/06/2024 - 06:46

 - Đặc điểm của hợp tác xã (HTX) là có bộ máy tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, trong khi các chi hội nông dân nghề nghiệp lại nhỏ gọn, dễ tập hợp nông dân trên tinh thần tự nguyện; cả 2 đều cần liên kết với doanh nghiệp (DN) trong sản xuất, tiêu thụ. Nếu xây dựng thành công mô hình “3 trong 1” (chi hội nông dân nghề nghiệp - HTX - DN) trên cùng một địa bàn thì sẽ bổ trợ cho nhau để phát triển chuỗi liên kết giá trị bền vững.

Nông dân trên cùng lĩnh vực thuận tiện hỗ trợ nhau

Tập hợp nông dân cùng lĩnh vực

Cuối tháng 2/2024, Chi hội nông dân “Trồng lúa chất lượng cao” ấp Phú Lâm (xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn) được Hội Nông dân xã Lương An Trà phối hợp Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (thành viên Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời) thành lập.

Với việc ra mắt chi hội nông dân nghề nghiệp đầu tiên, được thành lập theo thỏa thuận hợp tác giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh và Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giai đoạn 2024 - 2030 trên địa bàn An Giang kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả.

Nông dân Phùng Văn Hừng (Chi hội trưởng Chi hội nông dân “Trồng lúa chất lượng cao” ấp Phú Lâm) cho biết, trên tinh thần hoạt động tự nguyện và cộng đồng trách nhiệm, chi hội là nơi tập hợp những nông dân có kinh nghiệm canh tác lúa chất lượng cao, với diện tích lớn trên địa bàn ấp Phú Lâm. Thông qua hoạt động thường xuyên của chi hội, nông dân có điều kiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, liên kết với DN trong sản xuất, tiêu thụ, “mua chung, bán chung” để cùng hưởng lợi.

Theo Hội Nông dân tỉnh An Giang, ưu thế của chi hội nông dân nghề nghiệp là mô hình tổ chức gọn, số lượng hội viên vừa phải, quy chế hoạt động chặt chẽ, nội dung sinh hoạt phù hợp, thiết thực, bổ ích, đảm bảo nguyên tắc “5 tự” (tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm) và “5 cùng” (cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất - kinh doanh (SXKD), dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi). Các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp cơ bản khắc phục được những hạn chế, khó khăn trong nhiều năm về hoạt động của mô hình chi, tổ hội lâu nay (tập hợp chung nông dân), tạo cơ sở nền tảng cho việc tham phát triển thành tổ hợp tác (THT), HTX.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Minh Đức cho biết, tính đến 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã thành lập mới 28 chi hội nông dân nghề nghiệp, với 477 hội viên và 154 tổ hội nông dân nghề nghiệp, với 1.619 hội viên tham gia. Đến nay, Hội Nông dân tỉnh quản lý 202 chi hội nông dân nghề nghiệp, với 4.008 hội viên và 1.165 tổ hội nông dân nghề nghiệp, với 9.776 hội viên.

Thúc đẩy liên kết

Thực tế cho thấy, hoạt động của các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của hội viên; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên với DN, nhà khoa học, ngân hàng, nhà tư vấn trong quá trình sản xuất. Hội viên được hỗ trợ kiến thức, được cung cấp, trao đổi thông tin giá cả thị trường, các loại giống cây trồng, vật nuôi, được chia sẻ kinh nghiệm trong SXKD, tiêu thụ nông sản, được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất...

Nhiều chi, tổ hội đã chủ động phối hợp với DN và nhà khoa học tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu nông sản, tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, liên kết với các siêu thị, chợ đầu mối, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh. Các chi hội còn thông qua HTX làm đầu mối ký kết với DN, hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình kỹ thuật, bảo vệ lợi ích nông dân.

Hội Nông dân tỉnh cho biết, thông qua các chi, tổ hội nghề nghiệp, tư duy, nhận thức, hành động về liên kết, hợp tác trong sản xuất được nâng lên, mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên với hội viên, hội viên với DN thông qua các THT, HTX chặt chẽ hơn; xây dựng được nhiều mô hình “3 cùng” (chi hội nông dân nghề nghiệp - HTX - DN) trong một chi hội nông dân. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp hoạt động

Cùng với tuyên truyền, vận động thành lập mới HTX, việc xây dựng các chi, tổ hội nghề nghiệp trong HTX cũng được quan tâm, nhằm phát huy lợi thế của cả 2 loại hình này. Theo Hội Nông dân tỉnh, bản thân HTX là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân, rất cần có hoạt động dịch vụ cốt lõi để duy trì và phát triển, trong khi chi, tổ hội nghề nghiệp trong HTX chính là dịch vụ cốt lõi. Đối với chi, tổ hội nghề nghiệp, do không có tư cách pháp nhân để quan hệ giao dịch, nên cần phải nhờ vào pháp nhân của HTX.

Từ thực tế này, Hội Nông dân tỉnh đề nghị đẩy mạnh thành lập chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp mới trong các khu dân cư, THT, HTX, DN, đơn vị, trong đó lấy hội viên nông dân SXKD giỏi, có uy tín làm nòng cốt để xây dựng các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tiến tới phát triển thành THT, HTX nông nghiệp kiểu mới.

Bên cạnh đó, phát huy vai trò của lực lượng trí thức trẻ, cán bộ kỹ thuật được đào tạo có mong muốn, nguyện vọng và nhiệt huyết tham gia phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cùng với lực lượng hội viên nông dân SXKD giỏi để ưu tiên lựa chọn bố trí làm chi hội trưởng, tổ trưởng tổ hội nghề nghiệp. Đồng thời, xây dựng mô hình điểm “3 trong 1” (chi hội nông dân nghề nghiệp - HTX - DN) trên cùng một địa bàn khóm, ấp hoặc xã, phường, thị trấn để phát huy hiệu quả tối đa.

NGÔ CHUẨN