An Phú kết nối cung - cầu, giải quyết đầu ra cho nông sản

23/05/2023 - 04:59

 - Giải quyết đầu ra cho nông sản là bài toán rất quan trọng, đảm bảo sản xuất và cung ứng nông sản cho thị trường một cách bền vững. Cách làm ở huyện An Phú (tỉnh An Giang) phần nào tìm đầu ra cho nông sản, bảo vệ quyền lợi nông dân.

Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp huyện An Phú là 15.600ha (trồng rau màu và cây ăn trái trên 1.600ha). Hiện, dưa lưới và xoài keo ở huyện được liên kết theo chuỗi giá trị, kết nối tiêu thụ với các siêu thị lớn ở TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ. Đặc biệt, sản phẩm xoài keo của Hợp tác xã nông nghiệp Long Bình có mặt tại hơn 10 quốc gia trên thế giới, như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Nga... Huyện An Phú đã và đang ký kết tiêu thụ khoảng 7.000 tấn xoài keo/năm.

Vừa qua, UBND huyện làm việc với Sở Công Thương về tình hình sản xuất, kết nối tiêu thụ các mặt hàng nông sản cho huyện, nhất là xoài keo và rau sạch trong nhà lưới. Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Thành Huân cho biết: “Để có đầu ra ổn định cho mặt hàng nông sản, tạo chuỗi liên kết tiêu thụ, nông dân cần liên kết sản xuất, tạo vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng, an toàn. Sở Công Thương An Giang sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua các kênh bán lẻ, siêu thị, bách hóa xanh, sàn thương mại điện tử...”.

Sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) trong sản xuất nông nghiệp

Hiện nay, huyện An Phú liên kết trồng bắp giống với Công ty Syngenta (tại thị trấn An Phú, diện tích 5,5ha); trồng bắp giống với nhà máy sản xuất hạt giống Gò Dầu - Công ty Cổ phần Giống cây trồng Lộc Trời (tại xã Phú Hội, diện tích 9,1ha); trồng lúa Đài Thơm 8 với Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) tại xã Vĩnh Lộc, diện tích 55ha; liên kết với Công ty TNHH Nông nghiệp Thái Thị thực hiện quy trình bón phân cho cây lúa hữu cơ (11 mô hình ở 11 xã, thị trấn, diện tích 8,7ha). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty Cổ phần thực phẩm sen Đại Việt TP. Hồ Chí Minh, hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm sen tại xã Phú Hữu...

Bên cạnh đó, UBND huyện An Phú phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời liên kết sản xuất và ký kết tiêu thụ lúa cho nông dân trên địa bàn. Theo đó, nông dân tham gia ký kết sẽ được cung cấp trọn gói giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (thanh toán toàn bộ chi phí sau thu hoạch). Cùng với đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cử cán bộ hỗ trợ kỹ thuật cùng nông dân chăm sóc suốt mùa vụ. Tham gia ký kết, nông dân còn được thuê dịch vụ cơ giới, như: Máy cày, máy gặt đập liên hợp, máy bay phun thuốc không người lái (drone) giá ưu đãi.

Nông dân thu hoạch dưa lưới

Trong quá trình sản xuất, nông cần cần đạt tiêu chuẩn chất lượng đối với từng loại giống đã cung cấp. Công ty cam kết thu mua toàn bộ sản lượng lúa tươi với mức giá thị trường (được thỏa thuận trước 10 ngày). Dự kiến, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời ký kết tiêu thụ 3.500ha lúa của nông dân huyện An Phú.

Ông Võ Thành Phong (Giám đốc Vùng nguyên liệu Công ty Cổ phần lương thực Lộc Nhân, thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời) cho biết: “Mỗi năm, công ty tiêu thụ khoảng 2 triệu tấn lúa. Công ty cam kết sẽ tiêu thụ toàn bộ sản lượng lúa mà nông dân ký kết. Đề nghị nông dân cần liên kết vùng sản xuất ít nhất 100ha; xuống giống cùng thời điểm để dễ tiêu thụ và dễ thỏa thuận về giá bán”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trương Kiến Thọ cho biết: “Để tránh trường hợp thương lái, “cò lúa” ép giá, đồng thời hướng đến sản xuất liên kết, tạo sự bền vững, ổn định cho cây lúa trên địa bàn huyện An Phú, nông dân cần mạnh dạn liên kết vùng sản xuất, tham gia ký kết với công ty; các bên cùng thực hiện đúng quy định đã ký kết”.

Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Nguyễn Thị Phướng cho biết, để hợp tác lâu dài, giúp nông sản xuất ổn định, không lo về giá, đề nghị Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thực hiện đúng, đủ theo hợp đồng đã ký kết; có giải pháp phù hợp đảm bảo việc ký kết giữa các bên chặt chẽ, ổn định, đôi bên cùng có lợi. Đồng thời, đề nghị xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện liên kết trong sản xuất; hỗ trợ nông dân, hợp tác xã tham gia thực hiện ký kết, đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tiêu thụ nông sản bền vững.

HỮU HUYNH