An Phú tập trung khai thác kinh tế biên giới, chăm lo an sinh xã hội

15/02/2024 - 03:10

 - An Phú (tỉnh An Giang) là huyện biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội (KTXH) còn khó khăn. Dưới sự tập trung chỉ đạo của Huyện ủy, điều hành của UBND huyện, KTXH huyện đạt nhiều kết quả nổi bật, tạo động lực mới trong tăng trưởng. Cùng với đó, huyện tăng cường công tác xây dựng Đảng, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Kết quả nổi bật

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện An Phú đề ra nhiều chủ trương hợp lý, lãnh đạo hệ thống chính trị và Nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đề ra. Nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, có 12/13 chỉ tiêu đạt trên 50% so cả nhiệm kỳ. KTXH huyện đạt nhiều thành tựu, tạo động lực mới; sản xuất công nghiệp tăng trưởng tốt, giá trị sản xuất đạt 2.032 tỷ đồng, tăng bình quân 6,3%/năm. Điểm nhấn là cơ sở hạ tầng, diện mạo nông thôn mới (NTM) và đô thị ở huyện An Phú ngày càng khởi sắc. Nhiều công trình tạo động lực phát triển đã được thi công, hệ thống cầu, đường giao thông ngày càng hoàn thiện…

Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân từ đầu nhiệm kỳ (năm 2020) là 40 triệu đồng/năm lên 59 triệu đồng/người/năm (mục tiêu đến cuối năm 2025 là 65 triệu đồng/người/năm). “Hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng. Đường đi từ cầu Cồn Tiên lên thị trấn Long Bình bây giờ rất thuận tiện, nhanh chóng, Đường tỉnh 957 đã hoàn thành, Quốc lộ 91C được nâng cấp mở rộng. Nhờ đó, việc mua bán cũng dễ dàng hơn, đời sống người dân ngày càng nâng lên” - ông Phạm Văn Chung (ngụ thị trấn An Phú) cho biết.

Thực hiện chủ trương của tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện chuyển đổi từ trồng lúa sang cây ăn trái hơn 2.000ha. Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (WB9) tại 3 xã bờ Đông sông Hậu cơ bản hoàn chỉnh, mục tiêu kiểm soát lũ tháng 8, giúp nông dân phát triển các mô hình sinh kế mới. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã thu hút vốn đầu tư trên 20 tỷ đồng, triển khai 6/8 nhóm sản phẩm với diện tích hơn 5,1ha. Huy động đầu tư cho xây dựng NTM trên 98 tỷ đồng, có 3 xã đạt chuẩn NTM.

“Với nhiều giải pháp tích cực, kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện tiếp tục được tăng cường đầu tư, góp phần phát triển KTXH, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Lĩnh vực giáo dục tiếp tục phát triển, tỷ lệ tốt nghiệp THPT 3 năm liền đạt trên 99%. Hệ thống y tế được đầu tư nâng cấp, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân” - UBND huyện An Phú cho biết.

Chăm lo an sinh xã hội

Từ năm 2022 đến nay, huyện An Phú xây dựng 195 căn nhà Đại đoàn kết bố trí dân vào ở (không được sang bán, cầm cố) giúp bà con nghèo được “An cư lạc nghiệp”. Đây là cách làm rất mới ở huyện biên giới An Phú trong việc chăm lo nhà ở cho người nghèo. Nếu như nhiều nơi xây cất nhà riêng lẻ để bố trí người dân vào ở thì huyện An Phú xây dựng thành những khu nhà Đại đoàn kết rất khang trang, quy mô. Điều này làm tăng thêm khối đoàn kết, khi nhiều hộ dân được kết nối, sinh sống cùng khu dân cư.

Theo UBND huyện An Phú cho biết: “Bà con sau này nếu làm ăn dư dả, có được nhà mới thì có thể giao nhà lại cho hộ nghèo khác để có nơi sinh sống. Đây là cách làm mới của huyện An Phú để hỗ trợ người nghèo, trong điều kiện kinh tế huyện còn khó khăn. Từ 195 căn nhà đã hoàn thiện, với cách làm nhân văn này, huyện An Phú đã tạo được niềm tin rất lớn từ phía người dân, doanh nghiệp và các nhà tài trợ. Huyện tiếp tục tranh thủ các nguồn lực, phấn đấu xây dựng ở mỗi xã, thị trấn 1 khu nhà ở Đại đoàn kết (khoảng 20 căn nhà liền kề) để tiếp tục bố trí cho người nghèo có nơi ở ổn định”.

Là một trong 20 hộ dân được trao nhà ở Khu nhà ở Đại đoàn kết xã Vĩnh Lộc, ông Trần Thiện Tân (xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú) xúc động chia sẻ: “Có được căn nhà khang trang, kiên cố như thế này là điều mà gia đình tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới. Rất biết ơn lãnh đạo huyện, doanh nghiệp đã quan tâm giúp đỡ. Gia đình tôi sẽ cố gắng làm ăn để thoát nghèo, ổn định cuộc sống”.

"Cả hệ thống chính trị tập trung đoàn kết, ra sức thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Với những kết quả đạt được, cùng nhiều công trình có ý nghĩa thiết thực đã thúc đẩy phát triển KTXH và chăm lo cho Nhân dân ngày một tốt hơn. Từ đó, cán bộ, đảng viên và Nhân dân thêm tin tưởng, tích cực tham gia xây dựng quê hương” - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy An Phú Phùng Minh Tân khẳng định.

Định hướng phát triển

Theo Chủ tịch UBND huyện An Phú, cùng với tập trung phát triển hạ tầng, cầu đường giao thông, An Phú đẩy mạnh khai thác tốt tiềm năng quan trọng của 3 cửa khẩu (Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông, Bắc Đai), cầu Long Bình - Chrey Thom, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất, nhập khẩu qua lại hai bên biên giới Việt Nam - Campuchia thuận lợi.

Các xã biên giới phát huy tiềm năng dịch vụ (hậu cần, kho bãi, đầu mối trung chuyển hàng hóa, nông sản…) qua biên giới. Khai thác tiềm năng du lịch (búng Bình Thiên, các làng Chăm, Khu căn cứ cách mạng Vạt Lài, Làng bè sắc màu ở Đa Phước…); tổ chức các điểm tham quan, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, liên kết các tour du lịch của TP. Châu Đốc trong trục kết nối.

Được ví là cung đường thủy đa sắc màu đầu tiên ở miền Tây, dự án “Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh phối hợp UBND huyện An Phú thực hiện tại khóm Phước Thọ và Hà Bao 2 (thị trấn Đa Phước) đã tạo nên cảnh sắc rực rỡ, điểm nhấn mới lạ cho sản phẩm du lịch đặc trưng vùng sông nước. Nơi này sẽ triển khai nhiều dịch vụ đi kèm, như: Homestay, ẩm thực, đờn ca tài tử, hoạt động tập thể... nhằm thu hút du khách đến khám phá vẻ đẹp của vùng biên giới.

Tiếp tục thực hiện chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” trong xây dựng và kiên cố hóa giao thông nông thôn, thủy lợi, đáp ứng tiêu chí xây dựng NTM và tái cơ cấu nông nghiệp… Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao gắn với kinh tế hợp tác, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng khả năng cạnh tranh.

Tập trung khai thác lợi thế biên mậu, An Phú thực hiện đạt giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (theo giá so sánh 2010) 738 tỷ đồng. Doanh thu bán lẻ và dịch vụ ăn uống, lưu trú phấn đấu đạt 6.202 tỷ đồng. Mời gọi đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, như: Tuyến kè chống sạt lở đường Bắc Kênh Mới, tuyến đường tránh kết nối Quốc lộ 91C và Đường tỉnh 957, đầu tư mở rộng Trung tâm Y tế huyện...

Đặc biệt, huyện An Phú tăng cường công tác nắm tình hình nội - ngoại biên, giữ vững an ninh trật tự, ổn định biên giới để thu hút đầu tư, phát triển KTXH. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo người có công với cách mạng. Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động, phấn đấu tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo và giải quyết việc làm trên 4.200 lao động...

HỮU HUYNH