Bắc Giang: Vì sao nông dân ở đây trồng đậu tương rau, nuôi gà ri lại không lo chuyện bán chác?

31/08/2021 - 08:41

Trong khi nhiều hộ sản xuất nông nghiệp lao đao vì nông sản khó tiêu thụ do dịch COVID-19 thì nhiều gia đình nông dân trong tỉnh Bắc Giang vẫn “sống khỏe”, vượt qua dịch bệnh với thu nhập ổn định nhờ liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX).

Sản xuất theo đơn hàng

Vụ hè thu năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Thuận, thôn Thanh Sơn cùng hàng chục hộ ở xã Đông Phú (Lục Nam) tiếp tục trồng đậu tương rau theo hợp đồng sản xuất với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (Công ty Toàn Cầu). Bà Thuận chia sẻ, vụ này gia đình trồng 2 sào, mỗi năm 3 vụ, năng suất bình quân đạt hơn 3 tạ/sào/vụ.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) hướng dẫn người dân thôn Thanh Sơn, xã Đông Phú chăm sóc cây đậu tương rau.

Phía Công ty đặt hàng trước với giá sản phẩm loại 1 là 12 nghìn đồng/kg; loại 2 giá 8 nghìn đồng/kg, trừ chi phí thu lãi 6 triệu đồng/sào/3 vụ. 

Theo bà Thuận: “Trồng đậu tương rau không thu lãi bằng một số nông sản khác. Nhưng qua dịch bệnh mới thấy, nhiều người thâm canh thông thường đều không bán được hàng vì tư thương không tới thu mua. Liên kết trồng đậu tương rau tuy lãi không cao nhưng lại ăn chắc và không lo ế”.

Đại diện Công ty Toàn Cầu cho hay, DN liên kết sản xuất đậu tương rau với các hộ dân ở xã Đông Phú từ năm 2019, với tổng diện tích 25 ha. 

Đậu tương rau thu quả non để chế biến ăn thay rau xuất khẩu sang Nhật Bản, chỉ sau 75 ngày trồng là được thu hoạch. 

Do cây trồng này tại Bắc Giang có chất lượng cao nên phía Nhật Bản rất ưa chuộng. Dự kiến năm nay, Công ty sẽ xuất sang Nhật Bản 100 tấn, cao gấp đôi năm ngoái nên có nhu cầu mở rộng diện tích tại Bắc Giang.

Năm 2019, hộ ông Nguyễn Ngọc Lạng, thôn Hồng Lạc, xã Đồng Tâm (Yên Thế) liên kết chăn nuôi với HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế, sản lượng 7 nghìn con gà ri lai/năm. HTX thu mua với giá cố định 70-75 nghìn đồng/kg, cao hơn giá gà nuôi thông thường (đủ 4 tháng tuổi) tại Yên Thế từ 15-20 nghìn đồng/kg. 

Bù lại, người nuôi phải bảo đảm gà đủ từ 5-6 tháng tuổi. “Trước đây tôi tự nuôi, tự bán nên năm được, năm mất. Nay liên kết với HTX với giá cố định, dù giá thức ăn chăn nuôi (TACN) cao chúng tôi vẫn thu lãi từ 25-hơn 30 triệu đồng/1 nghìn gà, bảo đảm sống khỏe”, ông Lạng nói.

Ông Giáp Quý Cường, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế cho biết, hiện HTX đang hợp đồng nuôi gà với 87 hộ dân tại Yên Thế, tổng đàn 170 nghìn con/năm. 

Do có hợp đồng tiêu thụ từ trước nên dù dịch Covid-19 bùng phát, mỗi ngày HTX vẫn tiêu thụ 600 con (cả gà lông và gà giết mổ) và 3-5 tạ giò gà/tuần tại thị trường Hà Nội. Toàn bộ gà giết mổ và giò gà cung ứng cho hệ thống siêu thị BRG mart, UCA mart và siêu thị Bảo Minh.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có 571 HTX và 976 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo việc làm cho hơn 50 nghìn lao động. Trong đó, nhiều HTX và tổ hợp tác đã liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các DN.

Để chuỗi liên kết sản xuất hiệu quả, các hộ tham gia được HTX cung ứng con giống, tập huấn kỹ thuật, chăn nuôi theo quy trình do HTX đề ra, bảo đảm sản xuất sạch, an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm. Với hướng chăn nuôi này, năm 2020 đã có 50/87 hộ được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. 

Ông Cường chia sẻ: “Hiện chúng tôi đang nghiên cứu công thức sản xuất TACN riêng. Mục đích của việc này nhằm bảo đảm dinh dưỡng đồng đều cho đàn vật nuôi, tăng chất lượng thịt”.

Trên đây là hai trong hàng chục chuỗi liên kết, sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với DN, HTX trên địa bàn tỉnh. Nhờ liên kết, các hộ dân không những bảo toàn vốn sản xuất mà còn làm ăn có lãi. Thực tế thời gian qua, nhất là trong giai đoạn từ tháng 5 đến cuối tháng 7/2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều hộ sản xuất tự phát đã gặp nhiều khó khăn vì thương nhân không đến thu mua, vận chuyển nông sản sang các tỉnh bạn tiêu thụ.

Hỗ trợ nhân rộng

Được biết, hiện gần 50% nông sản của Bắc Giang được tiêu thụ ở ngoại tỉnh và xuất khẩu. Do đó, việc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm là giải pháp tất yếu để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay. Bởi chỉ có liên kết sản xuất thì việc thu mua mới tập trung và tiện cho việc đăng ký cấp “luồng xanh” để vận chuyển đi tiêu thụ.

Chế biến đậu tương xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu.

Vừa qua, một số địa phương như: Yên Thế, Tân Yên, Yên Dũng, Lục Nam, Hiệp Hòa… đã hình thành một số chuỗi liên kết sản xuất theo các tổ hợp tác, HTX và DN. 

Dù vậy, số chuỗi liên kết sản xuất tại Bắc Giang vẫn còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân là do nông dân vẫn còn quen tập quán canh tác cũ, tự phát. Cùng đó, ruộng đất được chia nhỏ, manh mún khiến nhiều DN, HTX muốn đầu tư, tích tụ thành vùng nguyên liệu lớn gặp khó.

Nhằm xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất hiệu quả, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 44/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025. 

Theo Quyết định này, các địa phương và Hội Nông dân tỉnh đã đăng ký 32 danh mục dự án, kế hoạch liên kết và đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt đầu tháng 7 vừa qua. 

Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 21 dự án, kế hoạch; vốn các huyện hỗ trợ 10 dự án, kế hoạch; vốn Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 1 kế hoạch.

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, Sở đang tham mưu thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ các dự án, kế hoạch liên kết sản xuất do các huyện xây dựng. Đồng thời chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng dự án, kế hoạch liên kết, bảo đảm đúng quy định. Dự kiến trong tháng 9 tới, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ hoàn tất các thủ tục thẩm tra các chuỗi liên kết trong các dự án, kế hoạch để trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, thực hiện.

Theo Dân Việt