Bắc Kạn đổi mới phát triển nông lâm nghiệp

06/09/2021 - 10:10

Trong hơn 5 năm qua, Bắc Kạn có những bước chuyển đổi mạnh mẽ trong sản xuất nông, lâm nghiệp theo phương thức sản xuất hàng hóa, có địa chỉ đầu ra. Nhờ đó, Bắc Kạn trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về trồng rừng, đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm OCOP.

Những thành công bước đầu ấy là tiền đề để tỉnh tiếp tục kiên định con đường đổi mới phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa trong giai đoạn tiếp theo.

Chúng tôi về huyện Ba Bể những ngày thu tháng tám. Trên những cánh đồng dọc tỉnh lộ 258 qua các xã Yến Dương, Mỹ Phương, Địa Linh… tấp nập người dân xuống đồng thu hái bí xanh thơm. Từ chỗ là cây trồng bản địa, canh tác manh mún, phụ thuộc tư thương thì giờ, cây bí xanh thơm đã trở thành một cây trồng chủ lực trong sản xuất hàng hóa của huyện Ba Bể. Đặc biệt, quá trình sản xuất đã có sự liên kết chặt chẽ giữa các hợp tác xã (HTX) với nông dân, quảng bá, kết nối thị trường ổn định nên được mùa, được giá tiêu thụ dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Vụ bí xanh năm 2021, HTX Yến Dương chủ động hỗ trợ hơn 5 tấn phân bón hữu cơ cho 25 hộ dân trồng 10 ha cây bí xanh theo hướng canh tác hữu cơ và liên kết bao tiêu cho 135 hộ dân. Còn tại HTX Nhung Lũy, các thành viên cũng đã áp dụng quy trình bí xanh thơm theo hướng hữu cơ, sử dụng phân chuồng ủ hoai mục bằng men vi sinh để bón lót cho cây, bảo đảm sản phẩm an toàn với người tiêu dùng.

Người dân huyện Na Rì chăm sóc vườn cam, quýt của gia đình.

Năm 2021, HTX ký hợp đồng với 10 tổ hợp tác trồng bí xanh thơm trên địa bàn hai xã Địa Linh và Yến Dương với diện tích khoảng 23 ha. Đồng thời, mở rộng tiếp thị online, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, tìm kiếm các thị trường tiềm năng để tiêu thụ và giới thiệu sản phẩm bí xanh Ba Bể đến với người tiêu dùng trên toàn quốc. Nhờ có liên kết với các HTX nên giá thành của sản phẩm bí xanh thơm giữ ổn định từ 6.000 - 8.000 đồng/kg. Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng người trồng bí xanh vẫn có nguồn thu nhập ổn định.

Năm 2021, diện tích trồng bí xanh thơm trên địa bàn Bắc Kạn đạt 126 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Ba Bể với sản lượng hơn 5.000 tấn. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, để hỗ trợ người dân tiếp cận thị trường, tiêu thụ, Bắc Kạn đã tạo điều kiện giới thiệu thông tin đến các siêu thị, chuỗi cửa hàng, công ty, doanh nghiệp, các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, HTX...

Đến nay, HTX Yến Dương đã xuất bán hơn 500 tấn; HTX Nhung Lũy xuất bán hơn 700 tấn, HTX nông nghiệp sạch Huyền Hân xuất bán hơn 10 tấn. Ngoài ra, các HTX khác cũng tham gia vào khâu kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Sản phẩm bí xanh thơm được tiêu thụ tại Hà Nội, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh và hệ thống siêu thị các tỉnh, thành phố khác. Hàng trăm tấn bí còn được các HTX, tổ chức, cá nhân mua để gửi tặng hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19.

Chủ tịch UBND huyện Ba Bể Lưu Quốc Trung cho biết, nhờ canh tác theo chuỗi, mở rộng các kênh tiếp thị, quảng bá nên dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng việc tiêu thụ bí xanh thơm của huyện không bị "đứt gãy". Đến nay, cơ bản sản lượng đã được tiêu thụ mang lại thu nhập cao cho người trồng.

Bắc Kạn có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước là nhờ phần lớn vào quyết sách phát triển kinh tế lâm nghiệp rất mạnh mẽ. Trong tổng số hơn 372.000 ha đất nông nghiệp có rừng, tỉnh có tới khoảng 100.000 ha rừng trồng. Trồng rừng trở thành phong trào, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân thoát nghèo, làm giàu. Bắc Kạn cũng tích cực gắn trồng rừng với chế biến nhằm tạo chuỗi giá trị bền vững. Từ năm 2008 đến 2020, diện tích trồng rừng bình quân đạt hơn 6.502 ha/năm; công tác khoán bảo vệ rừng đạt 81.785 ha/năm; khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên đạt 44,992 ha/năm.

Bắc Kạn hiện có 354 cơ sở chế biến gỗ và lâm sản với công suất 241.512 m3 gỗ, 9.460 tấn lâm sản ngoài gỗ. Trong đó, có một số doanh nghiệp sản xuất với số lượng khá lớn như Công ty cổ phần đầu tư GOVINA, Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam, Công ty TNHH Trường Thành… đã xuất khẩu gỗ qua chế biến với tổng sản lượng gỗ xuất khẩu 23.805 m3 gỗ, đạt giá trị đạt hơn 1 triệu USD. Đến năm 2020, khối lượng gỗ khai thác đạt 224.160 m3, tổng giá trị lâm sản khai thác đạt hơn 700 tỷ đồng/năm, trong đó giá trị của lâm sản gỗ chiếm hơn 80%.

Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, từ năm 2008 đến nay, các địa phương thực hiện đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, mở rộng ngành nghề mới, khôi phục nghề truyền thống. Nhiều sản phẩm nông - lâm nghiệp, thủy sản được nâng cao chất lượng, hoàn thiện về mẫu mã sản phẩm.

Đến năm 2020, toàn tỉnh có 131 sản phẩm đạt 3 sao trở lên (118 sản phẩm 3 sao, 13 sản phẩm 4 sao), đặc biệt, sản phẩm miến dong Tài Hoan (Na Rì) đã được Hội đồng OCOP cấp quốc gia công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia năm 2020. Đến năm 2020, sản lượng lương thực đạt 180.000 tấn, tăng 29.111 tấn; lương thực bình quân đầu người đạt 567 kg/người/năm, tăng 52 kg/người/năm so với năm 2008. Thu nhập của nông dân từ trồng trọt năm 2010 trung bình đạt 20 - 30 triệu đồng/ha nay đã tăng lên đạt 70 - 80 triệu đồng/ha, có mô hình chuyển đổi cho thu nhập từ 120 - 250 triệu đồng/ha/năm, gấp 2 - 4 lần so với canh tác lúa, ngô…

Bắc Kạn đã có 6 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ về chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể, gồm: Hồng không hạt, quýt Bắc Kạn, miến dong Bắc Kạn, gạo Bao thai Chợ Đồn, chè Shan tuyết Chợ Đồn, Khẩu nua lếch Ngân Sơn.

Những kết quả nêu trên là sự thay đổi vượt bậc đối với người dân Bắc Kạn, tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh khi vẫn còn những rào cản nhất định về kết cấu hạ tầng. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ theo hướng đi vào chiều sâu, nâng cao giá trị, tháng 4/2021, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn ban hành Nghị quyết về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Sau khi nghị quyết ban hành, những việc cụ thể hóa đã sớm được triển khai ngay để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.

Tỉnh quyết định đầu tư Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng vùng trồng cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm. Dự án sẽ là động lực tăng năng suất, tạo vùng cây ăn quả cam, quýt, mơ, hồng không hạt, chè, quy mô khoảng 1.100 ha; năng suất, sản lượng có thể tăng đến 10 - 20%. Từ năm 2021, Bắc Kạn đầu tư 200 tỷ đồng để xây dựng hơn 180 tuyến đường lâm nghiệp vào các khu rừng sản xuất. Khi hoàn thành, sẽ hình thành mạng lưới giao thông giúp thu hoạch gỗ rừng trồng, giảm chi phí vận chuyển…

Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp theo giá so sánh đạt hơn 2.380/1.845 tỷ đồng, tăng 1,29 lần so với hiện tại; giá trị sản phẩm ngành trồng trọt chiếm 42,21% cơ cấu nội ngành nông, lâm nghiệp, trong đó phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực (cam, quýt, hồng không hạt, chè) thành vùng nguyên liệu có sản lượng lớn, có truy xuất nguồn gốc và đạt các tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu chế biến, hướng tới xuất khẩu.

Theo TUẤN SƠN (Báo Nhân Dân)