Đây là nhận định của ông Kyril Whittaker, nhà nghiên cứu chính trị và lịch sử Việt Nam và đảng viên Đảng Cộng sản Anh, trong cuộc phỏng vấn mới đây với phóng viên TTXVN tại Anh.
Đại sứ Nguyễn Phương Trà, Phó Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ, tham dự và phát biểu tại cuộc họp phiên đầu tiên về vấn đề đại diện công bằng và tăng thành viên HĐBA LHQ. Ảnh minh họa: TTXVN phát
Ông Kyril Whittaker nhận định chính sách đối ngoại hiện nay của Việt Nam dựa trên sự mềm dẻo và sức mạnh với “gốc vững vàng” và “cành mềm dẻo”, thể hiện tính kiên cường, mạnh mẽ nhưng cởi mở, đó là Việt Nam nhất quán xây dựng đường lối đối ngoại dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng độc lập, hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp, trong khi ủng hộ sự cởi mở và linh hoạt và nỗ lực ngày càng tăng để cải thiện các mối quan hệ quốc tế và tham gia vào mọi lĩnh vực.
Ông Kyril Whittaker chỉ ra rằng sức mạnh của đường lối này là việc không từ bỏ các nguyên tắc, song đồng thời luôn linh hoạt và thích ứng với một thế giới đang thay đổi, tìm cách tạo ra các mối quan hệ mới trong khi phát triển các mối quan hệ hiện có. Điều này có thể thấy ngay từ những khía cạnh hợp tác nhỏ, như hợp tác giữa Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Lào trong việc trao đổi kỹ năng và cùng tham gia các dự án, tới những vấn đề lớn, như Việt Nam tham gia vào hơn 70 tổ chức và diễn đàn quốc tế, được thể hiện rõ nhất là vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Trong đại dịch COVID-19, chủ nghĩa quốc tế của Việt Nam cũng được thấy rõ qua việc cung cấp khẩu trang và các viện trợ khác cho các quốc gia có nhu cầu.
Trên các diễn đàn quốc tế, Việt Nam bảo vệ quyền của các quốc gia khác, nhất quán và tự tin thách thức các chính sách bất công như lên án việc phong tỏa kinh tế, thương mại và tài chính đối với Cuba và ủng hộ giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Palestine nhằm tìm kiếm một chính sách khôi phục chính đáng dựa trên cơ sở đường biên giới trước năm 1967.
Nhà nghiên cứu Anh nhấn mạnh đường lối ngoại giao tre dựa trên những phẩm chất có trong lịch sử Việt Nam và điều kiện vật chất ngày nay, nêu bật những phẩm chất đặc biệt của cây tre như tính kiên cường, mềm dẻo, tiện dụng, cũng như những phẩm chất mà Bác Hồ thường nhấn mạnh là cần cù, tiết kiệm, chính trực và sức mạnh đoàn kết.
Ông Whittaker cho biết, xét về lịch sử, có thể thấy phong cách ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện tính cởi mở, tính quốc tế và có tiếng nói mạnh mẽ trên trường quốc tế, chỉ ra rằng chính sách đối ngoại của Việt Nam mang phong cách này và tiếp tục phát triển hơn nữa đường lối đối ngoại nhằm mang lại tiếng nói mạnh mẽ cho văn hóa và dân tộc Việt Nam, bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ đồng thời là một quốc gia hiếu khách với vai trò ngày càng tăng trong các vấn đề quốc tế, tăng cường hợp tác hòa bình, hữu nghị với các quốc gia trên thế giới.
Đánh giá về thành tựu hội nhập quốc tế của Việt Nam, ông Whittaker cho rằng những thành tựu này đã được biết đến rộng rãi trên thế giới. Việt Nam nổi tiếng là đất nước thân thiện, an toàn và mang đến cho du khách những trải nghiệm văn hóa độc đáo. Việt Nam cũng được biết đến là một quốc gia có mối quan hệ lâu dài và phát triển với nhiều quốc gia, đồng thời bảo vệ quyền độc lập, tự do của các quốc gia vì sự phát triển hòa bình.
Ông chỉ ra rằng các chuyến thăm gần đây như chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Trung Quốc, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung tới Cuba, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang tới Nhật Bản và các chuyến thăm khác đã góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Tương tự, việc Việt Nam tham gia các diễn đàn quốc tế như Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Thiên Tân, trong đó Thủ tướng Việt Nam đã có các cuộc gặp song phương với Thủ tướng của một số nước như Barbados và Mông Cổ, với mỗi bên đều thể hiện lợi ích trong việc phát triển hơn nữa hợp tác song phương trên các lĩnh vực như như du lịch, hàng không và hợp tác tại các diễn đàn đa phương.
Sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới giúp nền kinh tế phát triển mạnh mẽ với các mối quan hệ quốc tế sâu sắc, đồng thời duy trì và phát triển nền công nghiệp quốc gia.
Ông Whitter cũng lưu ý sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới giúp nền kinh tế phát triển mạnh mẽ với các mối quan hệ quốc tế sâu sắc, đồng thời duy trì và phát triển nền công nghiệp quốc gia. Mức sống của người dân liên tục được cải thiện, nỗ lực bảo vệ môi trường được tăng cường, và quyền của người lao động được bảo vệ mạnh mẽ. Việt Nam có thể tự hào về các sản phẩm thủ công của các làng nghề có mặt trên khắp thế giới, hay gạo và cà phê Việt Nam nổi tiếng thế giới với chất lượng và hương vị đặc biệt. Chính sách ngoại giao hiện nay của Việt Nam góp phần vào thành công này và giúp xuất khẩu Việt Nam tiếp tục tăng trưởng.
Bình luận về phong cách ngoại giao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Whittaker cho biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bảo đảm các quan hệ quốc tế của Việt Nam ngày càng phát triển, với sự hiện diện quốc tế ngày càng tăng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có những đóng góp to lớn trong phân tích lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội cho độc giả toàn thế giới, ông Whittaker cho biết, dẫn bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Ông đánh giá đây là tác phẩm tiêu biểu nêu bật những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản trong thời kỳ hiện đại và chỉ ra con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Được xuất bản ở nhiều quốc gia trên thế giới, bài viết làm rõ những vấn đề quan trọng và phân tích sự phát triển của chủ nghĩa tư bản tân tự do, nêu bật những vấn đề thời sự hiện nay và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã giúp giải quyết những vấn đề này như thế nào. Bài viết cũng đề cập tới quan điểm đối ngoại của Việt Nam, đó là: “đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển và tích cực hội nhập quốc tế”, đồng thời đề cập tới bài học từ hội nhập quốc tế, nhấn mạnh trong khi văn hóa là 'động cơ phát triển', nền văn hóa Việt Nam cũng duy trì và phát triển bản sắc độc đáo của mình đồng thời 'học hỏi từ nhân loại’.
Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Ông Whittaker chỉ ra rằng đây cũng chính là tư tưởng trong phong cách ngoại giao và trong các tác phẩm của Hồ Chủ Tịch và trong suốt chiều dài lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, không những cho thấy các quan điểm này ngày càng được vận dụng và phát triển trong chính sách đối ngoại của Việt Nam mà còn thể hiện nền tảng tư tưởng vững chắc của Đảng cộng sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo của nhân dân Việt Nam.
Đánh giá về quan hệ Việt Nam - Anh, ông Whittaker cho rằng nhân dân Anh và Việt Nam có mối quan hệ hữu nghị lâu đời và lịch sử hợp tác sâu sắc bất chấp khoảng cách địa lý giữa hai quốc gia và trong thời đại hiện nay, tình hữu nghị và hợp tác này đang được nâng lên tầm cao mới.
Ông cho biết quan hệ song phương đang không ngừng phát triển trên nhiều lĩnh vực như thương mại và trao đổi văn hóa. Ông nhận định mặc dù được cho là trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất, mối quan hệ Việt Nam - Anh sẽ được nâng lên tầm cao mới. Ông hy vọng thông qua đường lối ngoại giao cây tre của Việt Nam, người dân Anh sẽ dễ dàng tìm hiểu và phát triển tình hữu nghị với người dân Việt Nam. Ông cũng tin rằng tấm gương tích cực của Việt Nam sẽ giúp Anh học hỏi được nhiều điều, đặc biệt trong lĩnh vực quyền của người lao động, chính sách đối ngoại, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Theo TTXVN