Bảo vệ đồng ruộng mùa Tết

02/02/2023 - 06:50

 - Thời điểm sau Tết là giai đoạn rất quan trọng đối với vụ lúa đông xuân 2022-2023. Yêu cầu đặt ra là nông dân và cán bộ kỹ thuật nông nghiệp cần thường xuyên thăm đồng, nắm rõ tình hình dịch hại, chủ động phòng trừ nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng cho vụ lúa quan trọng nhất trong năm.

Cần thường xuyên thăm đồng

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang Nguyễn Văn Hiền cho biết, vụ lúa đông xuân 2022-2023, toàn tỉnh có kế hoạch xuống giống 228.527ha. Với năng suất lúa ước đạt bình quân 7,4 tấn/ha, sản lượng có thể đạt 1,7 triệu tấn. Đây là vụ lúa có sản lượng cao nhất trong năm nên được tập trung bảo vệ, nhằm khởi đầu thắng lợi cho ngành trồng trọt năm 2023.

Đến nay, lúa giai đoạn mạ khoảng 20.000ha, đẻ nhánh khoảng 120.000ha, làm đòng khoảng 80.000ha, trổ chín 5.000ha, thu hoạch hơn 1.700ha. Về cơ cấu giống, nhiều nhất là giống Đài Thơm 8 với 83.565ha (chiếm 36,5%), OM18 là 51.796ha (22,6%), IR50404 là 33.071ha (14,5%), OM5451 là 22.255ha (9,7%), nếp 16.826ha (7,4%), còn lại 21.014ha là các giống khác (chiếm 9,3%).

Qua ghi nhận, có một số đối tượng gây hại xuất hiện, như: Bù lạch (2.559ha), đạo ôn lá (4.907ha), sâu cuốn lá (2.662ha); rầy nâu, muỗi hành nhiễm nhẹ không đáng kể. “Đánh giá chung, các đối tượng nhiễm nhẹ không ảnh hưởng đến sinh trưởng cây lúa. Tuy nhiên, thời điểm sau Tết, trà lúa nhỏ có khả năng xuất hiện bù lạch, muỗi hành; trà lúa lớn có khả năng xuất hiện đạo ôn lá, rầy nâu” - ông Hiền lưu ý.

Đoàn công tác tỉnh thăm đồng dịp Tết

Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, đoàn công tác tỉnh đã chia nhiều điểm thăm đồng khắp các địa phương để nắm tình hình dịch hại, hướng dẫn nông dân cách xử lý, đồng thời tuyên truyền, vận động nông dân thường xuyên thăm đồng trong dịp Tết để phát hiện và phòng trừ kịp thời, không để dịch hại lây lan.

Trong đó, đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư dẫn đầu đã đến kiểm tra tình hình phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng trên địa bàn các huyện Thoại Sơn, Tri Tôn và Tịnh Biên; chúc Tết Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Phú Thuận (huyện Thoại Sơn), Hạt kiểm lâm Tịnh Biên và HTX nông nghiệp Tân Phú (huyện Châu Thành).

Qua thăm đồng thực tế, đoàn công tác của tỉnh đã kiểm tra tình hình sản xuất, hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc lúa, vườn cây ăn trái, các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây trồng, đảm bảo năng suất ổn định; nhắc nhở nông dân “vui Xuân không quên đồng ruộng”.

Liên kết đầu ra

Cùng với bảo vệ sản xuất, tỉnh còn đẩy mạnh xúc tiến các doanh nghiệp (DN) liên kết tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân, HTX yên tâm đầu ra. Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV An Giang Nguyễn Văn Hiền cho biết, vụ đông xuân 2022-2023, các DN có kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ 147.350ha lúa, chiếm 64,48% diện tích xuống giống (liên kết lúa hàng hóa 145.350ha, liên kết lúa giống 2.000ha).

Trong đó, các tập đoàn, công ty, như: Lộc Trời liên kết 110.000ha; Angimex 15.000ha; Quốc tế Gia 10.000ha; Tân Long 7.000ha; Tấn Vương 1.000ha; Minh Phát 800ha; Phước Thịnh 500ha; Tân Thạnh An 400ha; Angimex Kitoku 250ha. Các DN: Tường Trình, Đức Hòa, Nanotech, Nguyễn Văn Hậu liên kết 100ha/DN. Ngoài ra, các công ty sản xuất lúa giống còn liên kết tiêu thụ 2.000ha.

Trong các DN tham gia liên kết, tỉnh đang tập trung hỗ trợ Tập đoàn Lộc Trời triển khai ký hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân thông qua các HTX, tổ hợp tác và trực tiếp nông hộ. Các ngành chuyên môn cùng chính quyền địa phương, Tập đoàn Lộc Trời đã triển khai 8.829 cuộc tuyên truyền, vận động tại 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, thu hút 35.582 nông dân tham dự.

Có 83 người ký hợp đồng tham gia vào lực lượng CFO (phát triển vùng nguyên liệu) của Tập đoàn Lộc Trời, gồm: Cộng tác viên TT&BVTV 46 người; cộng tác viên khuyến nông 13 người; hội nông dân 13 người; trưởng ấp 11 người. Thời gian tới, lực lượng CFO sẽ phát triển thêm để vận động nông dân tham gia liên kết.

Bên cạnh cây lúa, vụ đông xuân 2022-2023, nông dân An Giang còn xuống giống rau màu với diện tích 16.775ha, ước sản lượng khoảng 330.500 tấn. Qua kết nối, các DN đã ký hợp đồng liên kết và tiêu thụ với diện tích 4.630,7ha (chiếm 28%).

Trong đó, Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) có diện tích liên kết 3.200ha ở nhiều địa phương (bắp thu trái non và đậu nành rau). Những DN, như: Lộc Trời liên kết 9,6ha bắp lai F1; Syngenta 21,05ha bắp lai GK; Kim Nhũng 1.340ha rau muống lấy hạt; Thủy sản Bạc Liêu 20ha đậu bắp Nhật; Nam Phương 30ha ngò gai… Với diện tích còn lại, sẽ tiếp tục mời gọi và gắn kết thêm với DN, thương lái liên kết tiêu thụ. 

NGÔ CHUẨN