Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp

16/12/2024 - 07:46

 - Sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường (BVMT) đang là xu hướng tất yếu hiện nay. Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích nông dân áp dụng kỹ thuật tiên tiến để giảm thiểu tác động đến môi trường và tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, phù hợp thị hiếu của thị trường, góp phần hướng tới sản xuất nông nghiệp giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững.

Theo phân tích của các chuyên gia, trong quá trình sản xuất nông nghiệp, người dân sử dụng nhiều hóa chất, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)... gây ra những tác động nặng nề, làm ô nhiễm đất, nguồn nước và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng không bảo đảm, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Nhận thức được điều này, hiện nay, các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) và nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, đảm bảo hài hòa phát triển nông nghiệp với BVMT.

Điển hình, việc áp dụng mô hình sản xuất rau an toàn VietGAP giúp người nông dân kiểm soát được lượng phân bón, thuốc BVTV và đảm bảo chất lượng an toàn cho sản phẩm. Điều này đã tạo sự khác biệt so với cách làm cũ, thay đổi về nhận thức, kỹ thuật sản xuất trong nông dân. Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân còn đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới phun sương tự động... mang lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất và BVMT sống.

Sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

Cụ thể, anh Nguyễn Thanh Pho (huyện Chợ Mới) ứng dụng mô hình “Trồng rau sạch trong nhà màng có hệ thống phun sương” và sử dụng phân thuốc đúng cách… Qua đó, giảm chi phí, tăng lợi nhuận trong sản xuất và nâng cao được lợi nhuận và góp phần BVMT. Anh Pho cho biết, anh đã mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư hơn 1ha đất lúa sang trồng màu với các loại rau chủ lực, như: Cải bó xôi, cải ngồng, cải nhíp, bắp cải, bông cải cũng như rau ăn lá các loại… Đến nay, tổng diện tích màu gia đình canh tác đã tăng lên 1,6ha, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho gần 30 lao động. Với diện tích 1,6ha đất trồng màu, mỗi năm, sau khi đã trừ các chi phí đầu tư ban đầu, gia đình anh lợi nhuận hơn 750 triệu đồng.

Hay việc tận dụng phụ phẩm nông nghiệp rơm, rạ và thân cây bắp làm thức ăn cho bò. Còn chất thải trong quá trình chăn nuôi bò còn tạo thành giá trị hữu ích tái sử dụng trong nông nghiệp, như làm phân hữu cơ vừa cải tạo đất góp vệ môi trường. Với phương pháp nuôi bò thịt tuần hoàn đã mang lại lợi nhuận tăng so với phương pháp nuôi truyền thống. Anh Hồ Thiện Nhơn (Tổ trưởng Chi Hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi bò thịt ấp Bình Quới, huyện Châu Phú) cho biết, Chi Hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi bò thịt ấp Bình Quới với 25 thành viên, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nên chăn nuôi bò đạt hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, trung bình mỗi thành viên nuôi từ 2 - 10 con bò, thời gian nuôi 8 tháng, tận dụng được những nguồn cỏ tự nhiên, kết hợp với kinh nghiệm đã có mang lại lợi nhuận mỗi con từ 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, các thành viên còn tận dụng phân bò để nuôi trùn quế và bán phân bò đã xử lý, phơi khô lại cho những hộ có nhu cầu sử dụng để trồng cây, giúp tăng thêm nguồn thu nhập và giảm tác động đến môi trường.

Gần đây, việc thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, khi được triển khai hiệu quả tại An Giang, đề án sẽ đáp ứng được 3 trụ cột phát triển, gồm: Kinh tế, xã hội và môi trường. Trong hệ sinh thái lúa gạo, các bên tham gia cùng chia sẻ lợi ích, hướng đến nền kinh tế xanh, bền vững. Hiện nay, tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện.

Qua đó, tuyên truyền nông dân, THT, HTX thực hiện cải tạo mặt bằng đồng ruộng, hoàn chỉnh hệ thống tưới tiêu nội đồng, cống điều tiết nước để tạo tiền đề thực hiện tốt các khâu giảm giống, phân hóa học, thuốc BVTV và thất thoát trong sản xuất. Thường xuyên cập nhật các thông tin và hướng dẫn các THT, HTX, nông dân không sử dụng phân bón, thuốc BVTV nằm ngoài danh mục; giảm lượng giống gieo sạ, lượng phân bón, thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học và tăng sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, áp dụng kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ, rơm rạ di chuyển khỏi đồng ruộng để tái sử dụng, chế biến, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón…

Với mục tiêu đến năm 2030, An Giang phấn đấu có hơn 152.000ha diện tích tham gia đề án, đảm bảo các tiêu chí canh tác bền vững, như: Lượng lúa giống gieo sạ dưới 70kg/ha; lượng phân bón, thuốc hóa học giảm 30%; giảm 20% lượng nước tưới; 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết tiêu thụ, được cấp mã số vùng trồng và áp dụng quy trình canh tác bền vững; 100% lượng rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng…

Các mô hình nông nghiệp phát thải thấp là xu hướng phát triển tất yếu, chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp, là giải pháp phù hợp, hòa nhịp với chuyển động phát triển kinh tế chung của tỉnh. Mô hình nông nghiệp gắn với BVMT là nền tảng để nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp giá trị cao và bền vững.

TRỌNG TÍN