Nước Mỹ có hai đảng lớn chi phối hệ thống chính trị, và vì thế tổng thống luôn là người của một trong hai đảng, theo hãng tin BBC.
Cộng hòa là đảng bảo thủ. Ứng viên của họ trong cuộc bầu cử năm nay là ông Donald Trump. Ông Trump hy vọng sẽ tái đắc cử thêm 4 năm. Ứng viên Phó tổng thống là đương kim Phó tổng thống Mike Pence.
Dân chủ là đảng tự do. Ứng viên của đảng này là ông Joe Biden, một chính trị gia nhiều kinh nghiệm, từng là Phó tổng thống Mỹ suốt 8 năm dưới thời Tổng thống Barack Obama. Bạn tranh cử với ông Biden trên tư cách ứng viên Phó tổng thống là nghị sĩ Kamala Harris.
Cả hai ứng viên Tổng thống đều trên 70 tuổi. Ông Trump sẽ tròn 74 tuổi vào đầu nhiệm kỳ 2, nếu tái cử. Trong khi đó, nếu thành công, ông Biden, 78 tuổi, sẽ là vị tổng thống cao tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Ứng viên nào giành được sự ủng hộ của ít nhất 270 đại cử tri sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Tại Mỹ, mỗi bang có một số đại cử tri bằng với số nghị sĩ của bang đó tại Hạ viện. Hầu hết các bang trao phiếu đại cử tri trên cơ sở “được ăn cả, ngã về không”. Tấm vé tổng thống nhận được nhiều phiếu của công dân nhất sẽ nhận được tất cả phiếu đại cử tri của bang đó.
Điều này có nghĩa là tổng thống không do dân bầu trực tiếp mà quyền quyết định nằm trong tay đại cử tri. Đó cũng là lý do tại sao ứng viên giành được nhiều phiếu phổ thông nhưng ít phiếu đại cử tri hơn như bà Hillary Clinton lại bị bại trận trong cuộc bầu cử năm 2016.
Hầu hết các bang sẽ nghiêng về đảng này hoặc đảng kia. Vì thế, trọng tâm chú ý sẽ được đặt vào hơn một chục bang chiến địa.
Hiến pháp Mỹ bảo đảm mọi công dân trên 18 tuổi đều có quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử cấp liên bang (quốc gia), cấp bang và địa phương.
Tuy nhiên, có nhiều bang đã thông qua các điều luật yêu cầu cử tri phải trình thẻ căn cước để chứng minh họ là ai trước khi bỏ phiếu. Các điều luật này được đảng viên Cộng hòa ủng hộ với lập luận việc đó là cần thiết để tránh gian lận. Tuy nhiên, phía đảng Dân chủ lại cáo buộc đó là một hình thức đàn áp cử tri vì những cử tri nghèo, thuộc nhóm thiểu số không thể đưa ra các giấy tờ chứng minh nhân thân.
Người dân đi bỏ phiếu thế nào cũng là vấn đề được bàn luận sôi nổi do năm nay đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp nơi. Một số chính trị gia kêu gọi bỏ phiếu qua thư, song Tổng thống Donald Trump cho rằng điều này sẽ dẫn tới gian lận.
Không, bởi lẽ ngay cả khi người dân bỏ phiếu sớm, lá phiếu của họ chưa được kiểm đếm cho đến khi đóng cửa phòng bỏ phiếu vào đêm bầu cử. Điều này ngăn chặn rò rỉ thông tin chính thức về ứng viên nào có số phiếu hơn hay kém và có thể làm ảnh hưởng đến quyết định của các cử tri khác vào ngày bầu cử chính thức.
Tại Mỹ, dù các đài truyền hình, các hãng tin thường tiến hành thăm dò sau bầu cử đối với những người vừa mới bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử quốc gia song trong những năm gần đây hoạt động này bị giám sát chặt chẽ.
Trong khi mọi sự chú ý được hướng tới cuộc đua vào Nhà Trắng của hai ứng viên Tổng thống Donald Trump và Joe Biden, thì thực tế cuộc bầu cử ngày 3/11 còn sẽ chọn ra các thành viên mới của Quốc hội.
Đảng Dân chủ hiện nắm quyền kiểm soát Hạ viện và họ vẫn mong muốn giữ đa số tại cơ quan này cũng như giành quyền kiểm soát cả Thượng viện. Nếu chiếm đa số ở cả Thượng viện và Hạ viện, đảng này có thể ngăn chặn hay trì hoãn các kế hoạch của Tổng thống Donald Trump nếu ông tái đắc cử.
Trong ngày bầu cử 3-11 tới, toàn bộ 435 ghế ở Hạ viện sẽ được bầu mới, còn ở Thượng viện chỉ có 33 vị trí.
Thông thường, tên người chiến thắng sẽ được công bố vào sáng sớm ngày hôm sau. Tuy nhiên, việc đếm từng phiếu có thể kéo dài vài ngày.
Năm 2016, ông Donald Trump đã có bài phát biểu chiến thắng vào lúc 3h sáng trước những người ủng hộ ở New York. Tuy nhiên, các quan chức phụ trách bầu cử cảnh báo người dân có thể phải chờ vài ngày, thậm chí là vài tuần mới biết kết quả bầu cử do năm nay có nhiều người bỏ phiếu qua thư.
Trong cuộc bầu cử năm 2000, mãi hơn một tháng sau ngày bỏ phiếu, tòa án tối cao mới xác nhận tên người đắc cử Tổng thống Mỹ.
Nếu ông Joe Biden giành thắng lợi, ông sẽ không thay thế Tổng thống Donald Trump ngay lập tức vì cần có một giai đoạn chuyển giao để nhà lãnh đạo mới bổ nhiệm bộ trưởng nội các và đưa ra các kế hoạch.
Tân tổng thống sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-1-2021 tại một buổi lễ diễn ra ở tòa nhà trên đồi Capitol tại thủ đô Washington DC. Sau buổi lễ này, Tổng thống mới sẽ vào Nhà Trắng, đảm nhiệm việc lãnh đạo nước Mỹ trong bốn năm.
Theo Vietnamnet