Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, sau sinh bé bị vàng da, viêm phổi, nằm điều trị hơn 2 tuần tại một bệnh viện ở tỉnh. Thấy bé vẫn ho nhiều, có lúc sặc tím, nên gia đình lo lắng đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM.
Tại Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 2, bé còn ho và viêm phổi, ói dịch vàng, được chụp thực quản - dạ dày cản quang không thấy bất thường. Chuyển sang Khoa Hô hấp 2, tình trạng viêm phổi thuyên giảm, nhưng bé vẫn ho, có lúc thành cơn nặng tiếng.
Xét nghiệm IgE đặc hiệu cho thấy bé dị ứng với đạm sữa bò, trong gia đình có cơ địa dị ứng, nên bé được chẩn đoán và điều trị “Viêm phổi hít, nghi do trào ngược dạ dày - thực quản trên trẻ dị ứng đạm sữa bò”.
Bé gái khỏe mạnh vui vẻ sau ca phẫu thuật vá đường rò khí quản vào đường mật. Ảnh: BVCC
Diễn tiến sau đó, bé vào đợt viêm phổi nhiễm trùng bội nhiễm, suy hô hấp tăng, dẫn đến ho ngày càng nhiều, từng cơn nặng nề, bà và mẹ thường xuyên phải bế trên tay. Thỉnh thoảng bé ói ra nhớt trong có lẫn ít dịch vàng.
Khi chụp CT ngực phát hiện đường rò đi từ khí quản vào đường mật, túi mật và tá tràng. Các bác sĩ hội chẩn nhanh chóng phẫu thuật cho bệnh nhi khi chỉ mới hơn 2 tháng tuổi.
Trước khi mổ, ekip bác sĩ chụp đường rò có cản quang được thực hiện lần nữa để xác định chính xác tổn thương, thấy thuốc đi từ khí quản vào đường mật trong gan và tá tràng, không phát hiện dị tật đi kèm khác của đường mật.
Phẫu thuật quan sát trực tiếp thấy có đường rò dài từ gốc carina đi xuyên qua cơ hoành, nằm cạnh trục thực quản, mạch máu, thần kinh vùng ngực. Ekip bác sĩ đã cắt, khâu đầu trên đường rò sát gốc carina và khâu, cột đầu dưới đường rò sát trên cơ hoành.
Ca phẫu thuật diễn ra khá khẩn trương và tỉ mỉ để tránh làm tổn thương hệ thống mạch máu, thần kinh cạnh bên. Đồng thời cũng đòi hỏi ekip hết sức cẩn thận trong quá trình gây mê vì khi phẫu thuật, bé mới hơn 2 tháng tuổi và đang bị viêm phổi.
Theo ThS.BS Trần Thanh Trí - Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2, trưởng kíp mổ, đây là trường hợp rò đường mật - khí quản đầu tiên mà Bệnh viện Nhi Đồng 2 phát hiện và điều trị, là ca đầu tiên được ghi nhận ở Việt Nam. Ca phẫu thuật thành công, hiện bệnh nhi đã được xuất viện.
Theo y văn thế giới, trường hợp rò khí quản vào đường mật rất hiếm gặp. Đến nay chưa đến 40 ca bệnh thế giới được báo cáo riêng lẻ. Việc chẩn đoán bệnh khó khăn, nhất là ở trẻ sơ sinh, nhũ nhi vì lỗ khí quản nhỏ.
Theo CHÍ TÂM (Công Lý)