Bí ẩn và lạ lẫm những con số

14/02/2021 - 06:54

 - Dù ý tưởng, nhận thức của phương Đông và phương Tây có khác biệt, nhưng về con số vẫn có nhiều điểm tương đồng và trùng hợp đến lạ lùng, khó lý giải. Tết đến, xuân về xin lạm bàn về những điều kỳ lạ này.

Tản mạn về con số

Hệ cơ số 10 chúng ta đang sử dụng ra đời khoảng 5.500 năm trước, nhưng ký tự biểu thị số 0 như hiện nay lại ra đời muộn nhất. Điều đó bắt nguồn từ thực tế cuộc sống do con người chưa có nhu cầu sử dụng số 0. Trong các thư tịch cổ nhất của Ấn Độ, thấy cư dân sử dụng ký hiệu 0, biểu thị vị trí trống. Sau đó, chữ số này truyền từ Ấn Độ sang Ả Rập và vẫn giữ nguyên ý nghĩa.

Trung Quốc cổ đại không có ký hiệu 0 này, mà dùng cách không viết hoặc để chỗ trống để giải quyết. Trong sách “Cựu Đường thư” và “Tống sử” khi bàn về lịch pháp đều dùng chữ “không” để biểu thị vị trí trống. Đến thời Nam Tống, sách “Luận cung tân thư” ghi 118098 là thập nhất vạn bát thiên (rồi để trống), cửu thập bát đủ thấy lúc đó dùng để biểu thị chữ số 0. Sau này, để tiện cho công việc viết, người ta đổi hình ô trống thành 0, tương đồng với ý nghĩa chữ số 0 ban đầu của Ấn Độ.

Về con số, vào những dịp trọng đại, một số quốc gia thường bắn nhiều phát pháo chào mừng. Song, chuyện số lần bắn phát pháo mỗi nơi mỗi khác, thậm chí từ một sai sót nhỏ trở thành truyền thống. Nghi thức bắn pháo mừng ra đời từ nước Đức thời trung cổ. Cụ thể, trong một lần TP. Augsburg đón tiếp vị hoàng đế từ mặt trận thắng lợi trở về, quyết định bắn 100 phát pháo để buổi đón tiếp long trọng. Tuy nhiên, trong thực hiện, viên sĩ quan chỉ huy quá hào hứng đếm đến 101. Thật kỳ lạ, không những không kỷ luật viên sĩ quan này mà mọi người khen 101 hay hơn 100 phát pháo. Từ đó, truyền thống này ra đời và duy trì cho đến nay.

Về con số 13, không chỉ ở phương Đông mà phương Tây đều tối kỵ, nhất là trong các dịp yến tiệc. Theo họ, trong bàn tiệc không bố trí 13 người ngồi cùng bàn; không bày 13 món ăn; biển hiệu, tầng lầu, phòng khách, các loại số hiệu không dùng chữ số 13, thậm chí ngày 13 hàng tháng họ cũng không yên tâm. Họ quan niệm số 13 là không may mắn do liên quan đến “bữa ăn tối cuối cùng” của chúa Jesus.

Tháng 2 hàng năm chỉ có 28 ngày dù nó có 30 ngày. Bởi công lịch đang sử dụng (có 365,2422 ngày) do nhà độc tài Cacsar của La Mã chủ trì biên soạn vào năm 46 trước công nguyên.Theo đó, quy định tháng lẻ trong năm là tháng đủ, có 31 ngày; còn tháng chẵn là tháng thiếu, có 30 ngày. Như vậy, 1 năm sẽ có 366 ngày, trừ năm nhuận vừa vặn, còn năm thường nhiều hơn 1 ngày, phải trừ đi 1 ngày trong tháng nào đó. Nhà độc tài chọn tháng 2. Vì tháng 2 là tháng cả La Mã tập trung hành quyết tội phạm, được coi là “tháng xấu” mà đã xấu thì càng ngắn càng hay. Từ đó, tháng 2 còn 29 ngày (mất 1 ngày). Không ngờ, nhà độc tài thứ 2, Augustus vừa lên ngôi hoàng đế phát hiện Cacsar sinh vào tháng 7, là tháng đủ, còn mình sinh tháng 8 là tháng thiếu. Không chịu thua, ông ra lệnh sửa tháng 8 là tháng đủ.

Để phù hợp với quy định lịch pháp, về khoảng cách giữa tháng đủ và tháng thiếu buộc phải thêm bớt. Theo đó, tháng 10 và tháng 12 thành tháng đủ, tháng 9 và tháng 11 thành tháng thiếu. Như vậy, 1 năm dư ra 1 ngày và tháng 2 lại “rủi ro” bị cho mất thêm 1 ngày, còn chỉ 28 ngày.

Sự trùng hợp lạ lùng

Chiếc máy bay Boeing 777 số hiệu MH17 của Malaysia bay chuyến đầu tiên ngày 17-7-1997 và gặp nạn đúng 17 năm sau đó vào ngày 17-7-2014. Sự trùng hợp lạ lùng liên quan tới những con số của chuyến bay đoản mệnh của Malaysia khiến người ta không khỏi sửng sốt.

Nhà báo C.J Chivers của New York Times cho biết, chi tiết những con số trên có được từ một quan chức hàng không giấu tên. Trong số 298 người thiệt mạng, gồm: 192 người Hà Lan, 27 người Úc, 44 người Malaysia, 12 người Indonesia, 10 người Anh, 4 người Đức, 4 người Bỉ, 3 người Philippines, 1 người Canada, 1 người New Zealand. Một sự việc liên quan không kém phần lạ lùng khác khi hành khách người Hà Lan đăng tải lên Facebook bức hình trước khi máy bay rơi: “Nếu chiếc máy bay mất tích thì đây là hình ảnh còn lại của nó”.

NGUYỄN RẠNG