Theo thông tin từ Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), trong ngày 13-8, từ 17 ca nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 có cài ứng dụng Bluezone, Đà Nẵng và Hà Nội đã truy vết được 82 trường hợp F1 và F2 nằm ngoài danh sách truy vết theo cách truyền thống là điều tra lịch trình người bệnh. Ngay sau đó, những trường hợp F1, F2 mới được phát hiện thêm qua Bluezone này đã được các Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) của Đà Nẵng và Hà Nội tiến hành điều tra dịch tễ bổ sung.
Dù mới chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số các ca cần truy vết, nhưng kết quả này cho thấy Bluezone - giải pháp sử dụng kết nối Bluetooth để lưu lịch sử tiếp xúc trong cộng đồng - thực sự có hiệu quả trong việc phòng chống đại dịch Covid-19.
Đến nay, từ ứng dụng Bluezone, các cơ quan chức năng đã truy vết được 82 trường hợp F1 và F2 nằm ngoài danh sách truy vết theo cách truyền thống là điều tra lịch trình người bệnh
Về lý thuyết, nếu tỉ lệ sử dụng trong cộng đồng đạt mức từ 60% số lượng smartphone trở lên, ứng dụng này còn có thể giúp xã hội và nền kinh tế duy trì hoạt động ngay cả khi chưa hết dịch Covid-19. Đó là bởi khi hầu hết người dân cùng có ý thức bảo vệ bản thân và cộng đồng, họ sẽ cùng sử dụng Bluezone trên điện thoại để nhận được cảnh báo sớm nếu chẳng may tiếp xúc với ca F0 hay F1 nào đó. Nhờ vậy, các ca nhiễm mới đều được kiểm soát lịch sử tiếp xúc đầy đủ và chính xác, nên các ca lây nhiễm bị mất dấu trong cộng đồng sẽ được loại trừ dần. Người dân có thể giao tiếp hàng ngày ngoài xã hội mà không phải quá lo lắng về nguy cơ lây nhiễm, cơ quan chức năng cũng không phải áp dụng các biện pháp chống dịch như giãn cách xã hội hay phong tỏa cả một địa phương.
Bluezone giúp tiết kiệm chi phí phòng chống Covid-19
Nhờ ứng dụng công nghệ Bluetooth để nhận diện các tiếp xúc gần (dưới 2 mét) và trong thời gian đủ lâu (15 phút), Bluezone giúp truy vết chính xác những người từng tiếp xúc với các ca nhiễm và nghi nghiễm (F0, F1). Đây là công nghệ hiện đang được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai để phòng chống Covid-19.
Trước đó, để xác định những người có khả năng tiếp xúc với các ca F0, cơ quan chức năng phải dùng biện pháp khoanh vùng qua các trạm phát sóng di động, và các thuê bao trong cùng một ô (cell) với F0 đều được tính là có thể đã tiếp xúc. Tuy nhiên, do độ chính xác của biện pháp này không cao, phạm vi khoanh vùng tại thành thị là 200m, còn ở nông thôn là 400m, nên số trường hợp bị xác định nhầm "có tiếp xúc với F0" là rất lớn.
Một phép tính đơn giản có thể cho thấy sai số xác định nhầm này lớn đến mức nào. Nếu kết nối Bluetooth nhận biết tiếp xúc chính xác trong khoảng cách 2m, còn trạm di động là 200m, sai số đã cao gấp 100 lần. Nhưng khi khoanh vùng người có khả năng tiếp xúc 2m x 2m trên diện tích phủ sóng di động 200m x 200m, sai số sẽ nhân theo tỉ lệ bình phương thành 10.000 lần. Điều này dẫn tới số người trong diện cần điều tra dịch tễ trở nên quá lớn, và hầu hết là chưa từng tiếp xúc với F0 ở khoảng cách dưới 2m.
Đây cũng là công nghệ đã được sử dụng trong đợt bùng phát Covid-19 vừa qua tại Đà Nẵng. Theo đó, khoảng 800.000 người được xác định có liên quan tới các khu vực phong tỏa. Ngoài ra, khoảng 1,4 triệu người được xác định đã đến Đà Nẵng ở thời điểm này, sau đó tỏa đi các tỉnh. Trong trường hợp mỗi người này tiếp xúc với 10 người khác khi về đến địa phương, sẽ có khoảng 14 triệu người nằm trong diện nghi ngờ do có khả năng lây nhiễm. Con số này khiến rất nhiều tỉnh thành phải tiến hành cách ly người nghi nhiễm, tiến hành xét nghiệm nhiều lần với chi phí tốn kém, gây lãng phí thời gian, của cải vật chất, nguồn lực của cả xã hội.
Với kịch bản lý tưởng, khi mọi người dân đều sử dụng Bluezone, việc truy vết lịch sử tiếp xúc những ca F0 tại Đà Nẵng sẽ chính xác hơn rất nhiều. Số người trong diện nghi nhiễm cũng sẽ giảm xuống hàng ngàn lần, từ 14 triệu người có thể xuống chỉ còn vài ngàn người. Các tỉnh thành sẽ giảm được rất nhiều nguồn lực của cơ quan chức năng huy động vào quá trình điều tra truy vết dịch tễ, vào cơ sở cách ly, cũng như chi phí xét nghiệm cho hàng chục triệu người.
Duy trì hoạt động xã hội và nền kinh tế dù còn dịch Covid-19
Không chỉ giúp tiết kiệm nguồn lực và chi phí khổng lồ cho việc phòng chống dịch, nếu được triển khai đủ rộng, Bluezone còn có vai trò giúp duy trì hoạt động xã hội và nền kinh tế ngay cả khi chưa hết dịch Covid-19.
Nếu sử dụng các biện pháp khoanh vùng dựa vào mạng di động như đã đề cập ở trên, khi số người trong diện nghi nhiễm tại một địa phương trở nên quá lớn, thì giải pháp duy nhất để "thà xác định nhầm còn hơn bỏ sót" chính là cách ly "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Sau một thời gian đủ lâu (2-3 tuần), nếu số ca nhiễm không bùng phát và sàng lọc được hết các nguồn lây nhiễm thì địa phương mới tiến hành dỡ cách ly.
Tuy nhiên, biện pháp này gây thiệt hại rất lớn khi mọi hoạt động kinh tế xã hội bị ngưng trệ, người dân phải ở trong nhà, hạn chế ra đường.
Hiện tại, Singapore đang là quốc gia triển khai giải pháp phòng chống Covid-19 sử dụng công nghệ Bluetooth hiệu quả nhất trên thế giới, với hơn 45% dân số cài đặt ứng dụng có tên TraceTogether trên smartphone.
Tương tự như Bluezone, TraceTogether giúp người dân Singapore ghi nhớ họ đã đi đến những đâu, đã tiếp xúc với ai trong 25 ngày gần nhất. Nếu chẳng may từng tiếp xúc với một người dùng TraceTogether khác được xác định là ca nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19, họ sẽ được cảnh báo lập tức để giảm thiểu khả năng vô tình lây nhiễm tiếp cho người thân hoặc bạn bè.
Nhờ vậy, dù còn các quy định hạn chế về số lượng người tập trung cùng nhau, nhưng đời sống hàng ngày tại Singapore vẫn diễn ra khá bình thường.
Nếu Việt Nam triển khai được ứng dụng Bluezone với tỉ lệ cao như Singapore, chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ tới khả năng khôi phục dịch vụ du lịch tại Đà Nẵng, nền kinh tế phục hồi hoạt động, xã hội vận hành theo trạng thái bình thường mới một cách an toàn, ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 hiệu quả.
Tuy nhiên, để có được tỉ lệ triển khai Bluezone cao như TraceTogether của Singapore, điều quan trọng nhất vẫn chính là ý thức và trách nhiệm của từng người dân trong việc phòng chống dịch bệnh.
Ý thức ở đây bao gồm cả ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân, sức khỏe người thân và sức khỏe cả cộng đồng. Trách nhiệm thể hiện ở việc mọi người dân sử dụng Bluezone nghiêm túc và hiệu quả để chống dịch thực sự, tiết kiệm nguồn lực và của cải vật chất cho xã hội, chứ không chỉ là cài đặt lên smartphone rồi tắt Bluetooth đi vì lý do tốn pin.
Theo BÌNH MINH (Vietnamnet)