Bộ Công Thương họp bàn để ổn định cung cầu thị trường thịt lợn

30/05/2019 - 19:55

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cam kết sẽ sớm đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong lĩnh vực thu mua thực phẩm, nhất là việc thu mua thịt lợn cấp đông.

Ổn định thị trường thịt lợn cấp đông. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trước tình trạng dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến ngày càng phức tạp, ngày 30/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuộc họp về xây dựng cơ chế hỗ trợ tổ chức thực hiện việc thu mua, giết mổ và cấp đông thịt lợn nhằm ổn định cung cầu thị trường mặt hàng thịt lợn thời gian tới.

Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, dịch tả lợn châu Phi đang có diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, gây rất nhiều thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống người dân, gây bất ổn thị trường và nguy cơ mất cân đối cung-cầu.

Do vậy, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ ngành liên quan đã tập trung thực hiện việc thu mua giết mổ, cấp trữ đông cũng như giữ ổn định giá lợn, không để sốt giá lợn vào những tháng, quý tới.

“Tại thời điểm hiện nay, giá rất thấp và khó bán. Ở góc độ cung-cầu, nếu hiện nay không tái đàn thì không biết nguồn cung 3-4 tháng tới như thế nào. Mặc dù hiện giá thịt lợn ở mức rất thấp nhưng cái đáng lo nhiều hơn là những tháng tới không có thịt lợn để bán chứ không phải giá bán,” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lo ngại.

Ông khẳng định đây không phải là việc của chỉ riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà còn là việc chung của cả nước. Bộ Công Thương trong chức trách nhiệm của mình sẽ làm hết sức mình để đảm bảo cung cầu thị trường.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ thêm, dịch tả lợn châu Phi đã diễn ra ở nhiều nước trên thế giới và đến nay chưa có vắcxin để điều trị.

Đáng chú ý, hiện nay đã có 44 tỉnh, thành phố có dịch và việc lây lan có thể đến hết các tỉnh, đến các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. Thậm chí, nhiều địa phương hết dịch lại phát lại như Quảng Bình, Bắc Kạn.

“Trong bối cảnh này, một trong những giải pháp cấp bách và có hiệu quả nhất là thu mua lợn sạch, cấp đông để những tháng sau khi nguồn cung giảm đi sẽ cung cấp lại thị trường. Việc này triển khai càng sớm càng tốt,”  Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Theo báo cáo của Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tính đến 24/5/2019, tổng số đàn lợn bị bệnh và tiêu hủy là trên 1,7 triệu con, chiếm 5% tổng đàn lợn cả nước.

Từ cuối tháng 4 đến nay, giá lợn đã giảm, chỉ còn 28 - 32 nghìn đồng/kg tại miền Bắc và 32-38 nghìn đồng/kg khu vực phía Nam, trong khi giá lợn thành phẩm từ 70 - 90 nghìn đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so với tháng trước.

Liên bộ họp bàn giải pháp ổn định mặt hàng thịt lợn. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Người dân không còn "quay lưng" với thịt lợn

Theo ý kiến tại cuộc họp, mặc dù cấp đông thịt lợn là giải pháp hiệu quả được đưa ra trong giai đoạn hiện nay nhưng khó khăn là khả năng cấp đông của các doanh nghiệp thu mua, giết mổ và chế biến còn hạn chế nên việc cấp đông, sản phẩm thịt lợn trong một thời gian dài với khối lượng lớn sẽ gặp khó khăn về nguồn lực cơ sở hạ tầng cũng như tài chính.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của các cơ sở giết mổ tập trung còn hạn chế, nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu về giết mổ của cơ sở chế biến, cấp đông (cả nước chỉ có 387 cơ sở giết mổ tập trung trong khi có hơn 27.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu tạo Đồng bằng sông Hồng).

Không những vậy, nhu cầu thói quen tiêu dùng thịt lợn cấp đông của người dân còn hạn chế, gây lo ngại cho doanh nghiệp trong việc dự trữ, bán các sản phẩm này. Một số doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng thịt lợn nhập khẩu từ nước ngoài nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra phù hợp với yêu cầu của khách hàng.

Từ thực tế địa phương, ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai chia sẻ, trước tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, ngày 21/5, Sở Công Thương Đồng Nai đã làm việc với các đơn vị sản xuất, chế biến, chăn nuôi, giết mổ, phân phối trên địa bàn.

Ông khẳng định, về cơ bản, các doanh nghiệp, đơn vị giết mổ thu mua đều ủng hộ chương trình. Nhưng khó nhất với Đồng Nai hiện nay là địa phương không có kho cấp đông theo tiêu chuẩn.

“Chúng tôi đã tính đến chuyện đi thuê kho với giá thuê 1 USD/tấn/ngày và nhận thấy nếu tính ra thì vẫn có lợi hơn là Nhà nước hỗ trợ tiêu hủy. Do đó, nên chăng Bộ Công Thương đứng ra, chủ trì để các địa phương lân cận phối hợp cùng nhau làm việc này, cùng kết nối với các địa phương để thực hiện việc cấp đông,” ông Lê Văn Lộc đề xuất.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) khẳng định, “Chúng tôi không chờ chính sách mà đã thực hiện cấp đông hết công suất để hỗ trợ cho người chăn nuôi thời gian qua”.

Theo đại diện doanh nghiệp này, để đảm bảo lượng cung ứng ra thị trường, bình thường, Vissan tổ chức cấp đông để giết mổ, đưa ra thị trường 1.200 con/ngày, năng lực còn dư 100 con. Từ khi dịch tả lợn châu Phi diễn ra, Vissan đã tổ chức triển khai giết mổ, cấp đông thêm 100 con, tối đa năng lực.

Dù vậy, theo chia sẻ của Vissan, khi đông lạnh, chi phí trữ đông, vận chuyển cao làm giá thành cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất, chế biến bình thường. Cho nên ông đề xuất Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp lãi suất để giải phóng hàng tồn kho khi sau này đưa ra thị trường.

Cùng quan điểm trên, đại diện Công ty Cổ phần Thực phẩm Vinh Anh cũng mong muốn Nhà nước hỗ trợ về nguồn vốn vay ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp cấp đông thịt lợn trong giai đoạn này.

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, hiện nay, người dân trên địa bàn Thủ đô không còn e ngại, quay lưng với thịt lợn.

Cụ thể là mỗi tháng, thành phố tiêu thụ khoảng 418.000 tấn thịt lợn, đây là lượng tiêu thụ rất lớn. Vì vậy, chủ trương giết mổ cấp đông thịt lợn là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách, góp phần giảm thiểu lây lan dịch bệnh, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi, giữ ổn định giá lợn không bị rơi xuống thấp trong thời điểm hiện nay, đảm bảo thực phẩm sạch,cung cấp thịt lợn trong thời gian tới, không để sốt giá, nhất là những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng kiến nghị, các Bộ, ban ngành phải có chính sách thiết thực, cụ thể cho các doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia thực hiện dự trữ, cấp đông thịt lợn, trong đó Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình về giá cũng như được vay lãi suất ưu đãi và hỗ trợ việc kiểm dịch trong quá trình thua mua lợn cấp đông.

“Phải tính toán đến việc nhập khẩu thịt lợn, nếu như việc tái đàn không đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu người dân. Việc điều tiết thịt lợn cấp đông về các địa phương sao cho phù hợp cũng cần phải suy tính đến. Hiện, Sở Công Thương Hà Nội đã đang chuẩn bị nguồn cung thịt bò, thịt gà bổ sung cho nguồn lợn bị thiếu hụt và dự trữ đủ cung cho thị trường trong trong thời gia tới,” bà Lan nhấn mạnh.

Đánh giá tính khả thi của chủ trương này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, mục đích của chủ trương này là giảm khó khăn cho người nông dân trong thời điểm hiện nay giá rất thấp và rất khó bán và tiếp đến là đảm bảo nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, nhất là giai đoạn trước tết Nguyên đán.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cam kết sẽ sớm có đề xuất các cấp có thẩm quyền để ban hành chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong lĩnh vực thu mua thực phẩm, nhất là việc thu mua thịt lợn cấp đông.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền biện pháp để người dân hiểu rằng, thịt lợn thu mua, giết mổ, cấp đông đều được kiểm dịch, an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

“Đây là lúc để thể hiện Nhà nước, đồng hành cùng người chăn nuôi, người dân trong lĩnh vực chăn nuôi nuôi lợn,” ông Hải nói./.

Theo ĐỨC DUY (Vietnam+)