Bộ trưởng Bộ Y tế: Ngành y đang nỗ lực lấy lại niềm tin của người bệnh

26/02/2018 - 09:24

Để khắc phục những hiện tượng tiêu cực được người dân phản ánh và nâng cao chất lượng phục vụ, thời gian qua, ngành y tế đang rất nỗ lực thay đổi nhằm từng bước lấy lại niềm tin của người bệnh; đặc biệt tỷ lệ hài lòng của người bệnh đang tăng đều qua các năm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có bài trả lời phỏng vấn về những biện pháp của ngành y để nâng cao chất lượng phục vụ tại các cơ sở y tế, dần lấy lại niềm tin của người dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Bộ trưởng đánh giá như thế nào về việc thực hiện thay đổi phong cách, thái độ phục vụ người bệnh tại các cơ sở y tế thời gian qua?

Thời gian qua, Bộ Y tế đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt trong toàn ngành nhiều kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tại các cơ sở y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh như: Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, Kế hoạch xây dựng cơ sở y tế “Xanh-Sạch-Đẹp”, Bộ tiêu chí chất lượng Bệnh viện Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 23/11/2016.... Bên cạnh những chương trình, kế hoạch, Bộ Y tế đã triển khai quán triệt, hướng dẫn, tập huấn về kỹ năng giao tiếp, ứng xử; tổ chức cho cán bộ y tế tham gia các hội thi về đạo đức nghề nghiệp, văn hóa công sở…

Việc thực hiện đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế đến nay đã bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ; được người dân và cả cán bộ y tế đồng tình ủng hộ; ý thức của cán bộ y tế đã có sự thay đổi từ tư tưởng “ban ơn” sang “cung cấp dịch vụ, phục vụ” người bệnh. Đặc biệt, đã có nhiều tập thể, cá nhân trong ngành thực hiện tốt phong cách, thái độ phục vụ đã được khen thưởng, nêu gương.

Cuối năm 2017, Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát mức độ hài lòng của người bệnh. Theo đó, mức độ hài lòng của người bệnh đối với phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế đạt chung là 89,8%. Trong đó tuyến Trung ương đạt 88%; tuyến tỉnh 94%; tuyến huyện 85,7%...

Hiện nay, nhiều bệnh viện đang dần làm tốt việc phục vụ bệnh nhân như phục vụ khách hàng, nhờ đó bộ mặt các bệnh viện đã có những thay đổi rõ rệt. Cụ thể, công tác tiếp đón và hướng dẫn, cung cấp thông tin cho người bệnh về quy trình khám, chữa bệnh, địa điểm cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh cũng như các thủ tục hành chính, chế độ chính sách về khám, chữa bệnh… đã được các bệnh viện thực hiện tận tình, chu đáo hơn so với trước. Nhiều bệnh viện đã thực hiện tốt việc cải thiện, nâng cấp cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường xanh sạch đẹp tại khu vực khám bệnh… Các cán bộ y tế và nhân viên công tác xã hội trong các bệnh viện thực hiện tương đối tốt việc chăm sóc toàn diện cho người bệnh thông qua kết nối người bệnh với các dịch vụ xã hội trong và ngoài bệnh viện…

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực đã đat được, vẫn còn không ít người bệnh vẫn còn phàn nàn về tinh thần, thái độ phục vụ của một bộ phận nhân viên y tế, nhân viên phục vụ trong các bệnh viện, nhất là các bệnh viện còn quá tải; về tình trạng xuống cấp của điều kiện cơ sở vật chất, trang thiếu bị và các dịch vụ hỗ trợ trong một số bệnh viện, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở… Đây cũng là những tồn tại mà ngành y tế phải tiếp tục nỗ lực giải quyết trong thời gian tới.

Tình trạng quá tải bệnh viện dẫn đến áp lực cao đối với cán bộ y tế, cũng là nguyên nhân dễ làm “mất lòng” người bệnh. Vậy việc giải quyết quá tải bệnh viện hiện nay đang thực hiện ra sao, thưa Bộ trưởng?

Thực hiện Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Giảm quá tải bệnh viện, Bộ Y tế đã tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp đề ra của Đề án bao gồm: Đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng bệnh viện để tăng thêm giường bệnh cho các chuyên khoa ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi; Thành lập và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; Thí điểm xây dựng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình; Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới trạm y tế xã trong cả nước; tăng cường đầu tư, xây dựng để các trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia theo quy định, gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới…

Đến nay, sau 5 năm thực hiện đồng bộ các giải pháp, việc giảm tải bệnh viện đã đạt được những kết quả bước đầu, hầu hết các mục tiêu của Đề án đã được thực hiện và đạt được theo tiến độ; tình trạng quá tải bệnh viện đang từng bước được giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Cụ thể, trong giai đoạn 2015- 2017: Đối khu vực ngoại trú, quy trình khám bệnh đã giảm từ 12 - 14 bước xuống còn 4 - 8 bước tùy theo loại hình khám bệnh; giảm trung bình 48,5 phút trên 1 lượt khám bệnh, tiết kiệm được trung bình 27,2 triệu ngày công lao động/ năm cho xã hội. Tình trạng quá tải khu vực điều trị nội trú cũng đang từng bước được khống chế. Hiện đã có 37/39 bệnh viện tuyến Trung ương ký cam kết không để người bệnh nằm ghép trong thời gian 24 giờ hoặc 48 giờ kể từ khi nhập viện. Công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện tuyến Trung ương cũng đã giảm do giảm tỷ lệ chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên. Hiện 63% số bệnh viện tuyến trung ương đang có xu hướng giảm công suất sử dụng giường bệnh, 25% số bệnh viện tuyến huyện có xu hướng tăng công suất sử dụng giường bệnh.

Tình trạng quá tải tại các bệnh nhìn chung đã giảm, tuy nhiên, số lượt điều trị nội trú và ngày điều trị trung bình tại tuyến tỉnh, tuyến huyện lại có xu hướng gia tăng; tình trạng quá tải ở tuyến trung ương vẫn còn diễn ra ở một vài bệnh viện lớn, vẫn còn 2/39 bệnh viện chưa ký cam kết không để người bệnh nằm ghép. Nguyên nhân của thực trạng này là do số người tham gia BHYT gia tăng nhanh, tần suất sử dụng dịch vụ y tế có xu hướng tăng qua các năm (trung bình 2 lượt khám chữa bệnh/thẻ/năm); nhiều bệnh nhẹ có thể điều trị tại tuyến dưới nhưng người dân vẫn muốn lên tuyến trên gây nên tình trạng quá tải; mô hình bệnh tật thay đổi, gia tăng tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch huyết áp, tiểu đường; bên cạnh đó, dịch bệnh... ngày càng gia tăng; cơ sở vật chất, nhân lực y tế không theo kịp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe….

Bộ Y tế đang phấn đấu phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản không còn tình trạng quá tải bệnh viện với một số chỉ số cơ bản như: Năm 2018, 100% bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, thành phố tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cam kết thực hiện chủ trương không để người bệnh nằm ghép từ 2 người trở lên sau 24 hoặc 48 giờ nhập viện; đến năm 2020: Không còn tình trạng quá tải bệnh viện, đạt mục tiêu đề ra của Đề án giảm quá tải bệnh viện.

Thời gian tới ngành y tế có những giải pháp gì để đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện thay đổi phong cách, thái độ phục vụ tại các cơ sở y tế để “lấy lòng” người dân tốt hơn, thưa Bộ trưởng?

Để việc triển khai thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh đạt được hiệu quả cao, Bộ Y tế sẽ tăng cường triển khai công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục tại các cơ sở y tế theo cơ chế: Tự kiểm tra theo Bộ tiêu chí chấm điểm do Bộ Y tế ban hành, kiểm tra theo lịch định kỳ, kiểm tra lồng ghép, kiểm tra chéo, kiểm tra đột xuất; tổ chức thẩm định, đánh giá độc lập các kết quả kiểm tra…

Đồng thời, Bộ thường xuyên nêu gương người tốt, việc tốt, những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; xử lý nghiêm minh, triệt để các trường hợp vi phạm Quy tắc ứng xử, về đạo đức nghề nghiệp, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo các cơ sở y tế phải tiếp tục cải cách hành chính, đổi mới lề lối, tác phong làm việc, đổi mới quy trình tiếp nhận, thăm khám người bệnh, áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện quy trình ISO, công khai hóa, minh bạch các thủ tục hành chính; xây dựng cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp… Đặc biệt, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các cơ sở khám, chữa bệnh, Đề án giảm tải bệnh viện, triển khai thực hiện bệnh viện vệ tinh…; đổi mới cơ chế tài chính trong bệnh viện… hướng tới người bệnh sẽ là khách hàng thực sự khi tới bệnh viện.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Báo Tin Tức