Cải thiện cuộc sống nhờ làm rẫy thuê

17/07/2023 - 06:09

 - Trước đây, những người lao động tự do ở nông thôn sinh sống chủ yếu dựa vào nghề “ai kêu gì làm nấy”, nên công việc rất bấp bênh, thu nhập không ổn định. Từ khi mô hình luân canh, xen canh... được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp, người dân có thể trồng được nhiều loại cây khác nhau, canh tác được nhiều vụ trong năm, góp phần tăng thêm sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, tạo ra việc làm thường xuyên cho lao động tự do, góp phần mang lại thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.

Thu hoạch khổ qua

Phân loại khổ qua

Để đáp ứng việc mở rộng diện tích sản xuất, nhu cầu thuê người làm tăng theo, từ đó công việc làm rẫy thuê dần phổ biến. Đối với những nơi sản xuất diện tích lớn, nhân công được bố trí theo nhóm phụ trách các công đoạn, như: Lên liếp, làm giàn, phủ bạt, bơm nước, thu hoạch... Bên cạnh, sẽ có nhân viên theo dõi kỹ thuật, xử lý khi sâu bệnh tấn công.

Chị Nguyễn Thị Kim Chi (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ) cho biết, đội của chị có trên 20 người, phụ trách trồng gần 16 công khổ qua ở xã Vĩnh Trạch, sau khi thu hoạch xong sẽ tiếp tục xuống giống vụ dưa leo. Ngoài ra, chị được phân công quản lý chung, theo dõi và báo cáo tình hình sâu bệnh, sự phát triển của cây, sản lượng thu hoạch…

“Khổ qua từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch từ 40 - 45 ngày, nếu chăm sóc tốt thì thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 1,5 tháng. Mỗi vụ khổ qua vào thời điểm rộ nhất sẽ cho năng suất từ 200 - 300kg/công. Quá trình chăm sóc, nếu cây gặp sự cố, sâu bệnh, mình sẽ chụp hình, quay video, thông tin với chủ để tìm biện pháp xử lý. Quan trọng, cần tuân thủ sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, không bón phân quá nhiều hoặc rải phân trực tiếp vào gốc, sẽ làm ngộ độc, gây chết cây” - chị Chi thông tin.

“Hiện nay, giá thuê nhân công 30.000 đồng/giờ, 9 ngày trả lương 1 lần, lâu lâu được chủ thưởng thêm 200.000 đồng/người. Cuối năm, làm từ ngày 29 Tết đến mùng 3 Tết, lương nhân công được tính gấp đôi và thưởng thêm 500.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra, mỗi vụ thu hoạch đạt năng suất, vượt sản lượng còn được thưởng thêm” - chị Chi hồ hởi chia sẻ!

Biết đến nghề làm rẫy nhờ người quen giới thiệu, chị Nguyễn Thị Hồng Diễm (ngụ ấp Hòa Tân, xã Định Thành, huyện Thoại Sơn), vừa hái khổ qua, vừa chia sẻ: “Trước đây, mình đi làm công ty may mặc, để đủ tiền trang trải cuộc sống phải tăng ca thường xuyên. Lâu ngày, sức khỏe không đảm bảo đáp ứng công việc”.

Từ khi đi làm rẫy, chị Diễm có công việc ổn định, cuộc sống cũng tốt hơn. Đối với các công đoạn: Làm giàn, trải bạt, rải phân... chị và anh em trong đội sẽ có việc làm cả ngày. Còn thu hoạch, bẻ trái, ngắt đọt, mọi người chỉ làm buổi sáng, tùy vào số giờ làm được trong ngày, mỗi người sẽ có mức lương tương ứng, dao động từ 180.000 - 240.000 đồng/ngày.

Trường hợp hỗ trợ đội khác, sẽ được hỗ trợ thêm tiền xăng 20.000 đồng/người/ngày. Công việc tuy vất vả, nhưng anh em trong đội luôn hòa đồng, vui vẻ, sẵn sàng giúp đỡ nhau, vơi đi phần nào mệt nhọc. Công việc này, không bó buộc thời gian, những ngày có việc bận thì xin nghỉ. Thỉnh thoảng, đội được chủ quan tâm, mua đồ ăn đem đến tận nơi. Điều này, đem lại sự thoải mái và động viên tinh thần của anh em hơn trong công việc.

Anh Trương Văn Triều (xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn) phụ trách bơm nước, tưới nước, kiểm tra mực nước và bảo quản vật tư, phân thuốc ở trại. Anh Triều phải thường xuyên kiểm tra lượng nước, thiếu thì bơm vào, dư thì xả ra. Những ngày thu hoạch, phải bơm mực nước cao hơn, để người hái đẩy máng đựng khổ qua dễ di chuyển...

Cực nhất, vào những ngày mưa, phải theo dõi sát sao, dù nửa đêm vẫn phải lội ra rẫy để bơm nước ra, tránh để khổ qua bị ngập úng, hư hại… Thu nhập của anh mỗi tháng 6 triệu đồng, nếu chi tiêu hợp lý thì cũng đủ để chăm lo cho gia đình.

Hiện nay, bà con còn trồng luân phiên, xen kẽ nhiều loại rau màu và cây ăn trái… mang lại hiệu quả cao. Nhờ đó, người lao động nhàn rỗi có việc để làm, thu nhập ổn định, cải thiện được cuộc sống, không phải bôn ba khắp nơi để tìm việc mưu sinh.

NGUYỄN XÊ