Nêu ý kiến bên lề Kỳ họp, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc kê khai tài sản rất cần thiết và phải thực hiện nghiêm túc, đúng theo quy định của pháp luật, đặc biệt cần công khai thuế thu nhập cá nhân của lãnh đạo.
Công khai thuế thu nhập cá nhân của lãnh đạo
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình, Hà Tĩnh, Gia Lai, Bà Rịa Vũng Tàu thảo luận ở tổ. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN
Theo các đại biểu, sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (Luật Phòng, chống tham nhũng), công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; giúp cải thiện môi trường kinh doanh và đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, quy định về các đối tượng phải kê khai tài sản hiện nay quá rộng nhưng không ai kiểm tra, giám sát việc kê khai có đúng hay không và bản kê khai không được công khai, dẫn đến kê khai tài sản của cán bộ, công chức hiện nay vừa hình thức, lại tốn kém, chưa hiệu quả.
Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền, để kê khai tài sản được thực chất, nên thu gọn đối tượng để tránh kê khai quá nhiều, lan man, không mang lại hiệu quả. Đại biểu cho rằng, chỉ cán bộ cấp trưởng ở quận, huyện mới phải kê khai tài sản, còn các trường hợp khác thì không đưa vào diện phải kê khai tài sản. Hoặc trước khi bổ nhiệm, đề bạt cán bộ cần phải kê khai tài sản và phải xác minh xem cán bộ đó kê khai có đúng không để giám sát trong quá trình công tác có tài sản bất minh hay không.
"Nhiều nước họ kiểm soát tài khoản thu nhập của quan chức rất chặt chẽ, nên khi quan chức mua nhà thì cơ quan quản lý họ biết ngay số tiền đó nguồn gốc do đâu mà có. Còn ở Việt Nam, việc kê khai tài sản, thu nhập hiện nay vẫn phụ thuộc vào tính tự giác của mỗi cán bộ, công chức", đại biểu nhận định.
Để việc kê khai tài sản thực sự hiệu quả, đại biểu Xuyền cho rằng, bên cạnh việc thu hẹp đối tượng phải kê khai tài sản như hiện nay thì cần công khai bản kê khai tài sản của cán bộ, công chức trên mạng Internet để người dân giám sát. Vì cán bộ, công chức thuộc diện phải kê khai hưởng lương từ ngân sách nhà nước do dân đóng thuế mà có, do vậy việc công khai bản kê khai tài sản cán bộ có chức quyền để dân giám sát là hợp lý và minh bạch. Đối với trường hợp cơ quan chức năng phát hiện được tài sản của cán bộ, công chức không có nguồn gốc rõ ràng, cán bộ không chứng minh được nguồn gốc số tài sản của mình do đâu mà có thì cơ quan có thẩm quyền cần phải thu hồi ngay số tài sản này để sung công, tránh tẩu tán tài sản. Và nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm hình sự thì phải xử lý nghiêm.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng Chính phủ cần chú trọng việc kê khai tài sản và đóng thuế thu nhập của cán bộ, lãnh đạo, vì đó là những người ở vị trí có khả năng tham nhũng nhiều hơn. Theo đại biểu, cần phải luật hóa những việc khai báo sai, đặc biệt xem xét thuế thu nhập có thực sự tương xứng với mức thu nhập của lãnh đạo không. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu phân tích, việc đánh giá tài sản của cán bộ không khó, chỉ cần kiểm tra thuế thu nhập cá nhân trong kho dữ liệu của Tổng cục Thuế là cơ quan điều tra có thể nắm rõ. Cán bộ nào đóng thuế thu nhập ít trong khi lại có nhiều tài sản như ô tô sang, chung cư cao cấp thì có vẻ rất vô lý. Trường hợp những tài sản có là do được người thân tặng cũng cần phải giải trình để chứng minh cho sự trong sạch và minh bạch trong việc kê khai tài sản.
Cho rằng các nước trên thế giới coi thuế thu nhập là thước đo tốt nhất để đánh giá công dân, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, cần phải công khai thuế thu nhập cá nhân của tất cả lãnh đạo và công bố cho toàn thể nhân viên trong đơn vị cũng như các cơ quan chức năng. Từ tiền thuế có thể suy ra mức thu nhập của cá nhân đó ở mức nào, từ đó có đánh giá công bằng trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Xử lý nghiêm sự bao che cho hành vi tham nhũng
Một số đại biểu cho rằng, phải có cơ chế kiểm soát quyền lực một cách chặt chẽ và có cơ chế giám sát việc đầu tư để tránh sơ hở của chính sách, công tác quản lý chưa tốt, tạo điều kiện cho những người ở những vị trí nhạy cảm có thể trục lợi, tham nhũng, đặc biệt phải quan tâm đến việc kê khai tài sản đúng và đủ. Đại biểu Bùi Văn Cường (Gia Lai) cho rằng, làm sao đảm bảo tài sản của người đứng tên là đúng của người đó, tránh tình trạng đứng tên hộ là rất khó giám sát, cần tiếp tục tìm giải pháp để khắc phục được câu chuyện kê khai chỉ mang tính hình thức.
Đồng quan điểm, nhưng đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) nhấn mạnh đến trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, cần kê khai đầy đủ, chính xác tài sản của mình. Theo đại biểu, cần có những quy định và chế tài cụ thể để buộc cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên phải thực hiện kê khai đúng, kê khai đủ. Nếu phát hiện tài sản xuất hiện một cách bất minh, có thể có nguồn gốc từ tham nhũng thì phải xử lý tài sản đó một cách phù hợp.
Theo đại biểu Phạm Tất Thắng, đảng viên mà tham nhũng là vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước. Không chỉ tổ chức Đảng, đảng viên mà bất kỳ người dân nào cũng phải có trách nhiệm tố cáo nếu phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật với các tổ chức có trách nhiệm. Với đảng viên, trách nhiệm đó phải cao hơn, nếu không tích cực tham gia công tác phòng, chống tham nhũng, mà còn có biểu hiện bao che cho những hành vi sai trái, rõ ràng là hành vi vi phạm, cần phải xử lý nghiêm.
Theo ĐỖ BÌNH (TTXVN)