Cần giải pháp chữa trị cai nghiện hiệu quả hơn

01/08/2022 - 08:03

 - Nhiều con đường dẫn đến nghiện ngập ma túy, đa dạng các loại thuốc phiện, chất gây nghiện và hướng thần, độ tuổi tiếp cận chất gây nghiện ngày càng trẻ hóa, việc tái nghiện khi trở về cộng đồng gia tăng… Đó là những vấn đề nan giải hiện nay trong công tác phòng, chống ma túy mà cả nước nói chung, trong đó có An Giang, đang đối mặt và cần giải pháp quyết liệt hơn.

Nhiều cám dỗ

Một ngày có mặt tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh An Giang (xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn), chúng tôi rất đỗi xót xa với những mảnh đời lầm lạc. Với nhiều lứa tuổi khác nhau, trẻ có, già có, nam thanh nữ tú đều có… họ luôn mang bên mình câu chuyện cuộc đời vui ít, buồn nhiều, rồi luôn muốn tìm vui bên bạn bè, sau đó không may bị lôi kéo, rủ rê vào con đường nghiện ngập khó thoát.

Vào Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh được 14 tháng 20 ngày là quãng thời gian em Lê Trường H. (ngụ thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú) đủ tỉnh táo để nhận ra lỗi lầm bản thân và đau đáu được sớm trở về quê nhà để chăm lo cho người cha già nay yếu, mai đau. Do mẹ mất sớm, H. lớn lên chỉ với tình yêu của cha, những tháng ngày dãi dầu mưa nắng đi chở hàng trên xe ba gác đổi lại được bằng sự khôn lớn của cậu con trai. Đến năm 20 tuổi, cậu trai ấy đã tập tành ăn nhậu, đi chơi thâu đêm cùng bạn bè và để cuộc vui thêm vui hơn, H. cũng dần sử dụng ma túy. “Từ người sa ngã, vào cơ sở rồi em được các thầy cô hướng dẫn chữa trị cơn nghiện, dạy phong cách sống hàng ngày, học chuyên đề về tác hại ma túy, dạy lao động… em mới nhận ra những lỗi lầm bản thân. Mỗi lần nghe cha đau bệnh không người chăm sóc, lại lặn lội từ quê nhà đến thăm em, em càng thấy ray rứt, mong sớm học tập tốt để trở về xã hội, tiếp tục học nghề phụ hồ để chăm lo cho cha. Em rất mong các bạn trẻ hiện nay đừng bao giờ tìm đến ma túy dù chỉ một lần, để không làm mất đi bản thân, làm buồn lòng gia đình, người thân, thêm gánh nặng xã hội…”, em H. chia sẻ.

Học viên nam được hướng dẫn học nghề phụ hồ

Đến khu trị liệu tâm lý người nghiện với các hoạt động nhẹ nhàng, như: Tập thể dục buổi sớm, làm cỏ, trồng rau, trồng hoa kiểng, tưới cây… chúng tôi có dịp lắng nghe tâm tình của chị Lê Thị T. (phường Núi Sam, TP. Châu Đốc). Do cuộc sống khó khăn, chị rời quê nhà lên TP. Hồ Chí Minh xin làm đủ nghề, gần nhất là làm bảo vệ cho một công ty. Từ những cuộc vui do bạn bè nơi phố thị rủ rê và muốn sử dụng ma túy chút ít để tỉnh táo thức đêm cho những ca trực, chị dần đi vào con đường nghiện ngập. Những ngày dịch bệnh không việc làm, chị trở về quê nhà dù không còn thu nhập, nhưng theo thói quen vẫn cố tìm mua dùng và bị công an phường phát hiện. “Thời gian điều trị 18 tháng, tôi ở được 15 tháng. Có thời gian sống chậm lại, tôi mới thấy bản thân mình quá dại dột khi tự đánh mất bản thân, con đường sống, làm buồn lòng cha mẹ. Ở cái tuổi ngoài 30 không còn trẻ, tôi mong sớm quay trở lại xã hội để làm lại cuộc đời”, chị T. bày tỏ.

Rồi còn đó bao câu chuyện cuộc đời, như cô gái Trần Thị Trúc L. (xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới) 2 lần đến cơ sở cai nghiện, từng làm phiền lòng chồng con, cha mẹ, sau khi về nhà lại tiếp tục bị bạn bè rủ rê rồi lại sớm tái sử dụng ma túy. Với nỗi đau xé lòng khi người cha mất đi do COVID-19 mà chị không về chịu tang, chị mới thật sự thức tỉnh. Rồi câu chuyện của người làm vườn xoài chân chất Phan Thiện A. (xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới) chỉ vì không vượt qua cám dỗ của bạn bè, không chiến thắng được bản thân mà ở cái tuổi 54, ông đang lần thứ 4 đến điều trị tại cơ sở cai nghiện. “Điều khó khăn nhất đối với người nghiện là sự nuông chiều bản thân, không chiến thắng và vượt lên chính mình, thiếu bản lĩnh “từ chối” để chính mình mãi lầm đường lạc lối. Tôi rất muốn nhắn nhủ lại tâm sự này với tất cả mọi người, nhất là các em nhỏ hiện nay chỉ biết tìm niềm vui trước mắt mà cả đời phải lẩn quẩn trong cái vòng nghiện và cai nghiện”- ông A. bày tỏ.

Cần giải pháp đồng bộ

Là người có nhiều năm gắn bó với công tác cai nghiện, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh An Giang Nguyễn Ngọc Ngời chia sẻ: “Điều chúng tôi trăn trở nhất hiện nay chính là số lượng người nghiện tiếp nhận ngày càng tăng, độ tuổi ngày càng trẻ, người nghiện sử dụng nhiều chất gây nghiện, ma túy, ma túy đá gây nên loạn thần, ảo giác nên việc cắt cơn, giải độc ban đầu gặp nhiều khó khăn. Hiện, cơ sở đang tiếp nhận và điều trị cho 396 học viên, trong đó có 36 học viên cai nghiện tự nguyện. Với nhiều giải pháp chuyên môn, chăm sóc sức khỏe, điều trị HIV/AIDS, bệnh nhiễm trùng cơ hội, chăm sóc sức khỏe thể chất và trị liệu tâm lý hàng ngày bằng các hoạt động nhẹ nhàng, học tập xóa mù chữ, đào tạo nghề… chúng tôi nhận thấy hiệu quả điều trị và người nghiện phục hồi nhanh chóng.

Khám chữa bệnh thường xuyên, chăm sóc sức khỏe cho học viên

“Cùng với đó, chúng ta nên quan tâm công tác tuyên truyền ngoài cộng đồng, nhất là tại các trường THCS, THPT để không chỉ giải quyết vấn đề từ phần ngọn. Với tỷ lệ người nghiện ngày càng trẻ hóa từ 12 - 18 tuổi, cơ sở sẵn sàng hỗ trợ cán bộ chuyên môn đến các trường học để đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục giúp các em tránh xa ma túy và các chất gây nghiện, hướng thần. Đồng thời, cơ sở sẽ nỗ lực đảm bảo số lượng bác sĩ điều trị, mở rộng cơ sở vật chất để sẵn sàng tiếp nhận đối tượng nghiện độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi theo quy định của Luật Phòng chống ma túy, giúp nâng cao hiệu quả điều trị, giáo dục, hướng đến mục tiêu giảm số người nghiện đến điều trị tại cơ sở và ngoài cộng đồng” - ông Nguyễn Ngọc Ngời chia sẻ đầy tâm huyết.

“Điều băn khoăn của chúng tôi hiện nay là số người tái nghiện quay trở lại cơ sở và số tái nghiện trong cộng đồng. Do vậy, không chỉ giáo dục và điều trị người nghiện tại cơ sở quản lý tập trung, mà cần tăng cường giáo dục, chia sẻ tại gia đình, phát huy vai trò của các câu lạc bộ hỗ trợ tốt cho người nghiện tái hòa nhập cộng đồng” - Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh An Giang Nguyễn Ngọc Ngời nói.

 

TRÚC PHA