Cẩn trọng với dịch cúm A (H5N1)

13/02/2020 - 07:57

 - Với việc xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại tỉnh Quảng Ninh, trong khi nhiều nước xung quanh đã xuất hiện nhiều ổ dịch cúm gia cầm, nguy cơ lây lan dịch cúm là rất cao. Nếu không tập trung phòng dịch, ngành chăn nuôi gia cầm sẽ bị ảnh hưởng.

Tăng cường chăm sóc đàn gia cầm nuôi tập trung để phòng, chống dịch cúm

Tăng cường vai trò địa phương

Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ đầu năm 2020 đến nay, có 11 quốc gia và vùng lãnh thổ xảy ra nhiều ổ dịch cúm gia cầm. Điển hình như tại Ấn Độ xuất hiện virus cúm gia cầm chủng A/H5N1, Trung Quốc xuất hiện chủng A/H5N2, Đài Loan chủng A/H5N5… Tại Việt Nam, năm 2019 ghi nhận bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 70 hộ chăn nuôi tại 24 tỉnh, thành phố. Riêng đầu năm 2020, xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại tỉnh Quảng Ninh.

Trước tình hình này, ngày 3-2-2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có Công điện số 735/CĐ-BNN-TY về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Ngày 5-2-2020, Thủ tướng chính phủ đã có Công văn số 167/TTg-NN về việc chủ động phòng, chống dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm và ở người.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, diễn biến thời tiết hiện nay rất bất lợi (ngày nắng nóng, đêm sương lạnh) nên nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm xuất hiện, lây lan là rất cao. Do vậy, UBND tỉnh An Giang vừa có công văn yêu cầu triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm và ở người. Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, phải sớm triển khai công tác phòng, chống bệnh động vật theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.

Đồng thời, tăng cường, chủ động giám sát dịch bệnh trên vật nuôi, quản lý tốt công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời, dứt điểm, tránh lây lan diện rộng. Các trường hợp giấu dịch, bán chạy, giết mổ động vật nghi mắc bệnh hoặc mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường… đều bị xử lý nghiêm.

Các địa phương cần rà soát, thống kê, tổ chức triển khai tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm hiện có trên địa bàn, đảm bảo tiêm phòng đạt tỷ lệ tối thiểu 80% trên tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng. Các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm. Qua đó, kịp thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm đối với tổ chức, cá nhân vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định.

Đối với các huyện, thị xã, thành phố có đường biên giới giáp Campuchia, cần tích cực phối hợp tốt với cơ quan chức năng trong tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch động vật nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ biên giới vào An Giang.

Phát huy trách nhiệm

Đối với Sở NN&PTNT, cùng với chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường phòng, chống dịch, sớm phát hiện các ổ dịch cúm gia cầm để xử lý triệt để, UBND tỉnh còn yêu cầu triển khai công tác lấy mẫu giám sát chủ động virus cúm gia cầm để kịp thời cảnh báo, đề xuất sử dụng vaccine phòng bệnh phù hợp.

Ngay trong tháng 2-2020, tổ chức tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Sở NN&PTNT cũng được giao chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc gia cầm và các sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch lưu thông trên thị trường.

Đối với Cục Quản lý thị trường tỉnh, có trách nhiệm tăng cường công tác quản lý thị trường, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối. Sở Y tế chỉ đạo tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm cúm A (H5N1) và các loại cúm gia cầm khác trên người, chủ động giám sát tại cộng đồng.

Khi phát hiện trường hợp mắc trên người, tổ chức cách ly, phân vùng xử lý triệt để, không để dịch lây lan. Đồng thời, sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân; đảm bảo đủ cơ số trang thiết bị y tế, thuốc và hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch ở các tuyến; khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm lây từ gia cầm sang người.

Đối với các sở, ngành khác, tùy theo chức năng, nhiệm vụ, thực hiện phòng, chống dịch theo hướng chủ động, không gây hoang mang trong dư luận. Riêng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra và phối hợp lực lượng thú y, UBND cấp huyện tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý, đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam.

“Đối với các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh, căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ được giao, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư yêu cầu.


NGÔ CHUẨN