Chị A.N. (TP. Long Xuyên) là người thường xuyên mua sắm online, nhất là trên ứng dụng Shopee, bởi sự tiện lợi, hàng hóa đa dạng, nhiều khuyến mãi để mua được giá tốt. Gần đây, chị A.N. liên tục nhận tin nhắn “có vẻ” từ Shopee, thông báo rằng chị nhận được thẻ quà tặng tiền mặt trị giá 200 triệu đồng. Nội dung tin nhắn yêu cầu truy cập vào đường link để xác nhận liên kết tài khoản ngân hàng nhận tiền. “Theo dõi báo, đài thường xuyên nên tôi rất cảnh giác và hiểu rõ chẳng khi không mà có 200 triệu đồng từ… trên trời xuống. Tôi chặn tin nhắn tài khoản trên thì vài tiếng hoặc vài ngày sau lại nhận được tin nhắn có nội dung tương tự. Dù chưa mắc bẫy nhưng thật sự phiền toái và lo lắng, vì khá nhiều đơn hàng giá trị cao tôi đều liên kết thanh toán bằng app ngân hàng” - chị A.N. chia sẻ.
Một số chị em ưa chuộng mua sắm trên Shopee cho hay, họ cũng nhận được tin nhắn tương tự, nội dung thông báo khách hàng A, B, C… đã được quà tặng tiền mặt 3 triệu đồng, 10 triệu đồng, 60 triệu đồng, 90 triệu đồng... Chỉ cần để ý sẽ thấy những chi tiết nhái lại tên gọi rất dễ gây lầm tưởng, như tên tài khoản thay vì “Shopee” sẽ là “Shhopee” hoặc “Shopeen”, “Shoppe”. Chúng cố tình sử dụng hình đại diện “Quà tặng Shopee”, song tài khoản luôn trong tình trạng offline. Chú ý vào đường link sẽ thấy cuối link trong mỗi tin nhắn đều khác lạ, có tên của shop hoặc cá nhân dưới dạng mã hóa. Nhiều người chọn xóa hoặc chặn tin nhắn. Song vẫn có người tò mò bấm theo link trong nội dung tin nhắn, đến khi yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân chi tiết hơn… họ mới thấy bất thường và dừng lại.
Chị N.T.T. (huyện Thoại Sơn) sau thời gian chơi TikTok, chị “thả tim” vào các nội dung yêu thích và một hôm bất ngờ nhận được thông báo có 50.000 đồng. Các đối tượng gửi cho chị đường link, yêu cầu làm theo hướng dẫn để nhận mức hoa hồng cao hơn. Chị cho biết, số tiền tăng dần lên vài trăm ngàn đồng cho đến 1 triệu đồng thì thông báo tài khoản nhận tiền bị sai, hệ thống báo lỗi, yêu cầu vào link làm theo hướng dẫn. Kết quả, chị T. mất 10 triệu đồng (tài khoản nguồn tổng cộng 13 triệu đồng). “Tôi tìm đọc trên mạng mới biết nhiều người cũng nhận “thả tim” để có tiền và kết quả có người bị mất số tiền lớn hơn gấp chục lần. Mình không biết họ là ai, truy nguồn từ đâu… nên đây là bài học để nhớ không có gì dễ dàng mà có được tiền” - chị T. trần tình.
Gần đây, nhiều người dân xã Hiệp Xương (huyện Phú Tân) nhận được giấy mời đến dự chương trình “Nhận sản phẩm dầu dưỡng xương khớp và uống sữa miễn phí”, phần quà trị giá 140.000 đồng, từ Công ty Cổ phần dược liệu, dược phẩm Việt - Pháp. Chính quyền địa phương nắm thông tin và xác nhận đây là chiêu trò lừa đảo bằng cách tặng quà - bán hàng. Theo đó, mục đích của nhóm người tự xưng “công ty” nói trên đến từ địa phương khác, tìm người dân lừa mua sản phẩm có giá tiền cao nhưng chất lượng, giá trị thực tế không đúng. Để tránh bị phát hiện và ngăn chặn, nhóm đối tượng này thực hiện các chương trình “tặng quà” núp bóng lừa đảo, không thông qua chính quyền địa phương. UBND xã và Công an xã Hiệp Xương đã cảnh báo đến người dân, cần nâng cao ý thức cảnh giác, không nhẹ dạ cả tin vào những chiêu trò bán hàng - tặng quà miễn phí từ những công ty không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, trường hợp phát hiện có dấu hiệu khả nghi, người dân cần thông tin tới cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Dù không phải là hình thức mới, nhưng các nhóm mang danh nghĩa công ty vẫn hoạt động ở nhiều nơi, sử dụng chiêu trò bán những sản phẩm có giá trị thấp, sau đó hoàn tiền lại để chiếm lòng tin của người mua hàng. Chúng còn mượn danh hội thảo quảng bá, bán các sản phẩm gia dụng với giá ưu đãi dành cho khách hàng mới trước khi đưa vào siêu thị, câu nhử người mua sản phẩm lên đến vài triệu đồng. Các địa phương khi nắm bắt sự việc đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, quy định của pháp luật và chế tài xử lý đối với tội phạm. Đồng thời, phổ biến, thông báo về hành vi, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản gắn với các vụ việc, vụ án cụ thể mang tính điển hình (lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng mạng xã hội, điện thoại di động…) để người dân nâng cao cảnh giác.
Với những chiêu trò thực tế bên ngoài, thông qua nắm bắt tình hình, theo dõi các đối tượng, ngành chức năng và người dân có thể ngăn chặn kịp thời. Còn trên không gian mạng, để bảo đảm an toàn, trách nhiệm trước hết thuộc về mỗi cá nhân. Các chiêu trò có thể tái diễn hoặc tinh vi dưới những hình thức mới, nhưng điểm chung là đưa ra “bẫy” dễ dàng có được số tiền lớn, nhận quà giá trị. Người dân cần trang bị những kiến thức, cập nhật thông tin thời sự, chia sẻ những bài học, những cảnh báo từ ngành chức năng để luôn tỉnh táo trước các thủ đoạn “biến hóa” lừa đảo hiện nay.
HOÀI ANH