Khống chế ổ dịch bạch hầu tại Thanh Hóa. Ảnh: TTXVN
Các ổ dịch vẫn phát sinh
Ngày 5/8 vừa qua, khu vực thị trấn Mường Lát (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) ghi nhận ca bệnh bạch hầu đầu tiên. Đáng lo ngại, ca bệnh này không xác định được nguồn lây.
Đến nay, tại ổ dịch này đã ghi nhận 3 ca mắc bạch hầu; trong đó có 2 ca bệnh mới phát sinh, đều là F1 của bệnh nhân đầu tiên, đã được cách ly kịp thời. Có 34 trường hợp F1 của 3 bệnh nhân đã được cách ly, theo dõi, tại nhà.
Trước tình hình ghi nhận các ca bệnh bạch hầu lây lan, tỉnh Thanh Hóa đã tiếp tục đánh giá nguy cơ dịch bệnh bạch hầu tại các xã, thị trấn để chuẩn bị tốt các phương án ứng phó với dịch bệnh. Sở Y tế tỉnh thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình sức khoẻ, công tác điều trị của các bệnh nhân mắc bạch hầu và thông tin kịp thời đến người dân.
Đồng thời, tỉnh cũng đánh giá lại tình hình dịch bệnh bạch hầu để chuẩn bị tốt vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và dịch bệnh bạch hầu nói riêng; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương sẵn sàng các phương án đáp ứng các tình huống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”.
Trong khi đó, ngay trong tháng 7/2024 vừa qua, dịch bạch hầu cũng xuất hiện và lây lan tại Nghệ An và Bắc Giang. Cụ thể, ngày 4/7, tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An đã ghi nhận một trường hợp tử vong do mắc bệnh bạch hầu. Nhờ được phát hiện kịp thời, tại Nghệ An đã không ghi nhận thêm ca nhiễm mới. Số người có tiếp xúc với ca bệnh trên cũng được cách ly, cho uống thuốc kháng sinh dự phòng kịp thời, nên không bị lây nhiễm.
Liên quan đến ca tử vong do bạch hầu tại Nghệ An, tại Bắc Giang cũng đã ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh tại huyện Hiệp Hòa; ổ dịch cũng đã được khống chế kịp thời...
Như vậy từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 9 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó, có 1 trường hợp tử vong, gồm: 3 trường hợp mắc tại tỉnh Hà Giang trong các tháng 1, tháng 2, tháng 4/2024 tại các ổ dịch cũ; 1 trường hợp mắc và tử vong tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An; 2 trường hợp mắc tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang trong tháng 7/2024 và ổ dịch tại Thanh Hóa đã có 3 ca mắc. Trong năm 2023, cả nước ghi nhận 57 trường hợp mắc và 7 trường hợp tử vong.
Như vậy, mầm bệnh bạch hầu vẫn đang lưu hành trong cộng đồng và các ca bệnh phát sinh có xu hướng gia tăng gần đây cho thấy, miễn dịch cộng đồng đối với bệnh bạch hầu có dấu hiệu suy giảm.
BS. Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: “Vi khuẩn bạch hầu gây bệnh chủ yếu thông qua độc tố, vi khuẩn thường xâm nhập vào cơ thể không nhiều. Vì vậy, kể cả người sau khi bị nhiễm bệnh bạch hầu, miễn dịch tạo ra không đủ mạnh. Ngay cả với những trường hợp đã tiêm vaccine, có miễn dịch đủ mạnh, nhưng sau khoảng 10 năm, miễn dịch này cũng có thể giảm đi và chưa chắc đã có tác dụng bảo vệ. Người dân không nên chủ quan, kể cả những người đã từng mắc bạch hầu rồi vẫn có thể mắc lại”.
Bệnh bạch hầu là do vi khuẩn bạch hầu gây ra; vi khuẩn này có thể lây từ người này sang người khác qua đường hô hấp như khi bệnh nhân nói chuyện, ho làm bắn ra các giọt nước có mang vi khuẩn; người khác hít phải có thể bị nhiễm bệnh.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, bệnh bạch hầu là bệnh nguy hiểm ở nhóm chưa tiêm chủng đầy đủ hoặc mất hiệu lực tiêm chủng. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm của bạch hầu thấp hơn nhiều so với bệnh cũng lây qua đường hô hấp như COVID-19. Do đó, người dân không nên quá hoang mang khi có xuất hiện rải rác các ổ dịch, ca bệnh ở các địa phương, vì bệnh khó có thể gây ra dịch lớn như COVID-19.
Chú trọng miễn dịch cộng đồng
Theo BS. Nguyễn Trung Cấp, với nhóm những người chưa tiêm chủng hoặc đã tiêm chủng bạch hầu, nhưng hết kháng thể bảo vệ, tỷ lệ tử vong có thể tới 10-20%, nên việc tiêm chủng vaccine, củng cố miễn dịch có vài trò quan trọng.
Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Bệnh bạch hầu là bệnh có vaccine phòng bệnh và vaccine bạch hầu đã được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng ở nước ta từ năm 1985, đã tạo được miễn dịch rộng rãi trong cộng đồng và đã làm giảm số ca mắc hàng trăm lần so với thời điểm năm 1983 với khoảng 3.500 ca. Những năm gần đây chỉ ghi nhận các ca bệnh rải rác tại các nơi có tiêm chủng đầy đủ do tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt được 100% đối tượng tiêm, vì vậy vẫn còn một tỷ lệ nhỏ nhất định đối tượng chưa được tiêm tại cộng đồng.
Các ổ dịch chủ yếu xảy ra ở khu vực vùng sâu, vùng xa, những nơi điều kiện cung cấp vaccine tiêm chủng mở rộng còn khó khăn, tạo ra vùng lõm tiêm chủng.
Bệnh bạch hầu không phải là bệnh mới, đã có vaccine tạo miễn dịch cộng đồng, khi chẩn đoán dương tính có thuốc kháng sinh và huyết thanh kháng độc tố để điều trị. Bên cạnh đó, với các trường hợp tiếp xúc ca dương tính có biện pháp phòng bệnh bằng tiêm liều đơn Penicillin hoặc uống Erythromycine từ 7-10 ngày có tác dụng phòng bệnh.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Đưa trẻ từ 2-7 tuổi thuộc đối tượng tiêm chủng mở rộng đi tiêm chủng các vaccine có chứa thành bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT…) đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm, tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể.
Ngoài ra, mọi người cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Theo TTXVN