Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc về công tác kỷ luật của Đảng

04/12/2020 - 07:06

Có thể dễ dàng nhận thấy mỗi lần cơ quan chức năng công bố việc xử lý, kỷ luật đối với tổ chức Đảng hoặc cán bộ, đảng viên có sai phạm, lập tức lại xuất hiện những tiếng nói ngược, hằn học của những phần tử phản động, thù địch, cố tình xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước, gây mất niềm tin trong nhân dân.

Trong lịch sử 90 năm rèn luyện phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với nhiệm vụ, coi đó chính là khâu “then chốt của nhiệm vụ then chốt”. Công tác xây dựng Đảng được thực hiện thường xuyên, liên tục, trên cả 2 mặt “xây” và “chống,” trong đó “xây” là cơ bản, lâu dài, “chống” là quan trọng, cấp bách. Hai nhiệm vụ này luôn song hành, kết hợp nhuần nhuyễn nhằm làm trong sạch đội ngũ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng.

Từ khi nước nhà độc lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, đất nước không ngừng phát triển, thế và lực ngày càng vươn cao trên trường quốc tế. Đó là những thành tựu to lớn mà không chỉ Đảng, nhà nước, nhân dân Việt Nam tự hào mà còn là thành tựu được thế giới thừa nhận, ngưỡng mộ. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, không tránh khỏi những tồn tại, thiếu sót, trong đó có công tác bố trí, sử dụng, đánh giá cán bộ. Trước tác động mặt trái của cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm xói mòn niềm tin trong nhân dân.

Công cuộc chống tham nhũng, đẩy lùi tham nhũng được Đảng ta tập trung thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt, thể hiện rõ quan điểm, quyết tâm không bao che, dung túng, “không có vùng cấm”! Chỉ tính riêng năm 2019 đã kỷ luật gần 55.000 đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ các chức vụ rất cao; 6 tháng đầu năm 2020, cả nước đã kỷ luật 104 tổ chức Đảng; kỷ luật 7.160 đảng viên (có 1.749 cấp ủy viên các cấp).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thứ 18, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tại phiên họp thứ 18, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng khẳng định: công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng không chững lại, không chùng xuống, ngược lại ngày càng quyết liệt, hiệu quả, có sức răn đe lớn. Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn. Đó là quyết tâm rất lớn, nỗ lực rất cao, là sự đồng lòng nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Quyết tâm chỉnh đốn Đảng, thể hiện nghiêm minh thượng tôn pháp luật có thể thấy rất rõ trong những năm gần đây. Hàng loạt vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý, nhất là những vụ án nghiêm trọng được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử, bước đầu khắc phục tình trạng án treo về tội phạm tham nhũng; từng bước chú trọng công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Nói về việc xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm, Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân”.

Việc xử lý nghiêm minh những cán bộ sai phạm, giữ vững nguyên tắc, kỷ luật Đảng, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình ủng hộ, nhất trí cao. Ấy vậy mà vẫn có những kẻ rêu rao luận điệu xuyên tạc, gán ghép một cách thô thiển, trắng trợn việc xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực với việc “thanh trừng, đấu đá nội bộ, phe cánh chính trị”; “giành ghế trong đại hội Đảng”. Xuyên tạc cán bộ sai phạm là bởi “Đảng Cộng sản thiếu năng lực”…

Không khó để nhận ra đó là những tiếng nói lạc lõng, cố tình bóp méo sự thật, xuyên tạc công tác kỷ luật của Đảng, làm sai lệch bản chất sự việc, quy chụp nguyên nhân và phủ nhận vai trò của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. Ý đồ sâu xa là cố tình bôi đen, gây nhiễu loạn nhận thức, tư tưởng, chỉ thấy tiêu cực, mặt xấu, sự yếu kém, hư hỏng, thoái hóa, biến chất, từ đó thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong nội bộ cán bộ, đảng viên; làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào thể chế chính trị, vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước!

K.M