Canh tác rau hữu cơ

19/03/2018 - 01:00

 - Rau hữu cơ (RHC) là hướng sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, đã và đang được ứng dụng nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc sản xuất RHC gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, cần sự ý thức của người trồng cũng như người mua…

Nông sản an toàn

Cuối năm 2016, xã Mỹ Khánh và phường Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên) đã hình thành vùng trồng RHC với diện tích gần 5ha, thu hút nhiều nông dân (ND) tham gia. Đây là Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ sản xuất heo hữu cơ và RHC tại TP. Long Xuyên” do Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) TP. Long Xuyên thực hiện. Khi tham gia dự án, ND sẽ được tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật và chi phí canh tác RHC. “Canh tác hữu cơ là phương pháp canh tác đã có từ xa xưa khi sử dụng nguồn phân chuồng: bò, gà, heo… có sẵn ở địa phương. Bên cạnh đó, tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng cây trồng và các chất kháng sinh trong chăn nuôi. Từ đó tạo ra các loại rau, thịt đảm bảo an toàn khi cung ứng cho người tiêu dùng” - Trưởng trạm TT&BVTV Nguyễn Thanh Sơn phân tích.

Rau muống được trồng theo hướng hữu cơ

Từ canh tác theo kiểu truyền thống, tham gia tổ sản xuất rau an toàn, hiện nay anh Anh Võ Văn Bé Năm (phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên) đã bắt tay vào canh tác rau màu theo phương pháp hữu cơ, loại bỏ hoàn toàn phân thuốc hóa học, thay thế bằng phân hữu cơ như: phân gà, phân bò, đậu nành ủ… “Canh tác RHC không khó, chỉ cần bà con ND bỏ công nhiều hơn, nhưng làm ra được sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, trong đó có bản thân và gia đình mình. Đó là chưa kể, trong quá trình canh tác sử dụng phân hữu cơ sẽ là biện pháp tốt nhất để cải tạo đất, tăng độ màu mỡ cho đất, điều mà nhiều người ND đang dần quên đi” - anh Năm tâm huyết chia sẻ. Với 1.000m2 đất, vụ này anh Năm gieo 18kg hạt giống rau muống theo kiểu “cuốn chiếu” nhằm thu hoạch rau được liên tục. Với mỗi ký hạt giống, sau từ 18-20 ngày, ruộng rau muống của anh Năm cho thu hoạch từ 55-60kg rau thành phẩm, mỗi ngày cung cấp 100kg rau ra thị trường.

Ý thức của cộng đồng

Hiện nay, cái khó mà ND đang canh tác RHC ở các địa phương gặp phải là giá cả và đầu ra cho sản phẩm. Khi canh tác RHC, bà con phải bỏ công sức, thời gian chăm sóc nhiều. Chẳng hạn, khi trồng các loại rau ăn trái như: dưa leo, khổ qua… ngoài việc chăm bón các loại phân bón hữu cơ tạo độ màu mỡ cho đất, ND không sử dụng thuốc BVTV mà phải nghĩ đến các phương pháp dẫn dụ sâu bọ. Bên cạnh đó, thời gian canh tác dài hơn, hình dáng, màu sắc cũng không đẹp mắt như những loại rau trồng theo kiểu truyền thống do vậy khi đưa ra thị trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn… Đầu tư công sức nhiều, giá bán lại được “cào bằng” với các loại rau chợ đã làm cho người ND mất đi động lực để chuyển đổi sản xuất.

Thị trường và giá cả vẫn là trăn trở của nông dân trồng rau hữu cơ

“Với rau muống, khi canh tác hữu cơ cần thời gian 18-20 ngày, sử dụng thuốc BVTV thì mất khoảng 15 ngày đã cho thu hoạch. Rút ngắn thời gian canh tác, tái vụ nhanh hơn và lợi nhuận từ đó nhiều hơn, đây chính là lý do mà ND vẫn chưa mặn mà. Sản xuất là vì lợi nhuận nhưng phải nghĩ đến sức khỏe, phải nghĩ đến lợi ích cộng đồng”- anh Năm chia sẻ. Người tiêu dùng mặc dù được cảnh báo về “rau bẩn”, “thực phẩm bẩn” nhưng vẫn khá thờ ơ trong việc tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. “Cách dễ nhận thấy nhất là khi ra chợ, các sạp rau tươi tốt, xanh mơn mởn được người tiêu dùng lựa chọn so với những bó rau xấu hơn, có vài đốm sâu ăn… Để thay đổi ý thức này vẫn rất cần nhiều thời gian, người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình” - anh Sơn giải thích. Để hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ, cần sự ý thức chung của cả cộng đồng thì mới mong hướng đến sản xuất bền vững.

ÁNH NGUYÊN