Cây trồng tiềm năng
Lương An Trà là xã vùng sâu của huyện miền núi Tri Tôn, người dân nơi đây chủ yếu canh tác lúa. Tuy nhiên, trên nhiều diện tích đất của bà con bị nhiễm phèn đã ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, việc canh tác lúa trên địa bàn cũng không thuận lợi, tình trạng “được mùa, mất giá” thường xuyên xảy ra, nên có những khó khăn nhất định cho người nông dân nơi đây. Thực tế trên đòi hỏi cần phải có sự chuyển đổi nhằm tìm kiếm mô hình sản xuất phù hợp hơn và mô hình trồng cây na Thái của anh Lê Minh Sang là một lựa chọn.
Cũng như nhiều nông dân khác trên địa bàn, trước đây anh Lê Minh Sang rất trăn trở trong việc tìm kiếm hướng canh tác mới cho gia đình. Nhận thấy mô hình trồng cây na Thái đang phát triển ở nhiều địa phương, hiệu quả kinh tế của mô hình mang lại khá cao, năm 2019, anh Sang quyết định chuyển đổi 1,8ha trên tổng số 15ha đất trồng lúa để tập trung phát triển cây na Thái trên vùng đất phèn. Trong quá trình chuyển đổi, anh Sang đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng hệ thống tưới phun tự động để tiết kiệm nhân công cũng như chi phí sản xuất.
Mô hình trồng cây na Thái của anh Lê Minh Sang mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cây trồng ở địa phương
Sau 2 năm canh tác, anh Sang đã rút ra những kinh nghiệm quý báu và đánh giá đây là mô hình tiềm năng, vì na Thái là loại cây khá dễ trồng, ít bị sâu bệnh, không đòi hỏi quy trình kỹ thuật chăm sóc cao. Trong quá trình canh tác không sử dụng nhiều phân bón, thuốc hóa học nên ít tốn kém hơn các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, do đặc thù địa phương là đất phèn nên trước khi xuống giống phải xử lý đất trước, đồng thời sử dụng thuốc nhằm kích thích cây ra rễ khỏe mạnh.
“Cây na Thái dễ sống, không kén chọn đất, kể cả vùng đất nhiễm phèn ở địa phương; cây trồng trong thời gian 1 năm rưỡi là có thể cho trái. Đặc biệt, cây trồng càng lâu năm năng suất càng cao. Để kích thích cây ra hoa, kết trái cần phải cắt tỉa cành cho cây” - anh Sang chia sẻ.
“Đất chua” cho “trái ngọt”
Sau hơn 2 năm chuyển đổi và dày công chăm sóc, vườn cây na Thái của gia đình anh Lê Minh Sang bước đầu cho “trái ngọt”. Anh Sang chia sẻ: “Dịp cận Tết Nguyên đán vừa qua, tôi đã xử lý ra trái và thu hoạch 1/2 diện tích, năng suất ước đạt 2 tấn. Cây cho trái to, đẹp, được thương lái thu mua với giá 50.000 đồng/kg đối với trái loại 1 (trên 350gr/trái) và 25.000 đồng/kg đối với trái loại 2 (dưới 350gr/trái). Sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình tôi thu về lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng. Hiện phần diện tích cây trồng còn lại đang cho trái, hứa hẹn sẽ cho năng suất cao”.
Cũng theo anh Sang, năng suất trái na Thái ở đây không cao hơn so các địa phương khác. Tuy nhiên, so nhiều loại cây ăn trái được trồng ở địa phương, cây na Thái có nhiều ưu điểm nổi bật, có tiềm năng phát triển cao hơn. Đặc biệt, loại cây trồng này có thể cho trái 2 đợt mỗi năm, nên nông dân đảm bảo được nguồn thu nhập. Do đó, thời gian tới, anh Sang sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này trên toàn bộ diện tích đất của gia đình.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương An Trà Nguyễn Thị Cẩm Thi cho biết, na Thái là loại cây trồng mới được phát triển gần đây nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân nâng cao thu nhập trên cùng 1 đơn vị diện tích. Hiện, diện tích canh tác giống cây trồng này trên toàn xã khoảng 10ha, trong đó tập trung chủ yếu trên địa bàn ấp Phú Lâm. Đây là loại cây trồng tiềm năng nên thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền giúp bà con nông dân chuyển đổi vườn tạp để phát triển các mô hình trồng cây ăn trái, trong đó có cây na Thái. Đồng thời, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật canh tác cho bà con nông dân.
Hiện nay, trái na Thái đang được thị trường tiêu thụ mạnh bởi trái có trọng lượng lớn, mẫu mã đẹp, chất lượng thơm ngon. Trái thu hoạch đến đâu có người đặt mua hết đến đó, không phải lo đầu ra. Năng suất của loại cây trồng này khá cao, dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của nhiều địa phương.
ĐỨC TOÀN