Cây quýt đường Định Thành

13/05/2022 - 06:04

 - Là người trồng quýt đường nhiều nhất ở địa phương, anh Thái Văn Hoàng (ngụ ấp Hòa Tân, xã Định Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) khá hào hứng khi nỗ lực lao động lâu nay đã mang về quả ngọt.

Anh Hoàng phấn khởi bên vườn quýt cho trái tốt

Thăm vườn quýt đường lúc anh Hoàng bận chăm sóc, chúng tôi được dịp dạo một vòng đang mùa cho trái. Anh Hoàng cho biết, không làm vườn thì thôi, đã làm phải theo suốt. Ngày 2 buổi, anh ra thăm vườn cây trái của mình. Trước là để chăm sóc cây, sau là để nhìn ngắm thành quả lao động. Thấy chúng tôi thích thú với vườn quýt đường xanh mướt, từng nhánh trĩu quả, người chủ vườn bảo rằng đó là một quá trình cố gắng rất lớn mới có được.

“Trồng cây nào cũng phải tốn công sức rất nhiều. Nếu mình chăm sóc cây tốt thì sẽ cho lợi nhuận cao” - anh Hoàng bày tỏ suy nghĩ. Hiện, vườn quýt đường của anh Hoàng có diện tích gần 20.000m2, tất cả đều được chuyển đổi từ đất ruộng kém hiệu quả sang loại cây trồng này.

Chọn quýt đường để phát triển kinh tế gia đình, anh Hoàng lý giải vì nó mang lại lợi nhuận cao. “Ban đầu, tôi chuyển đổi 5.000m2 đất lúa kém hiệu quả sang trồng quýt đường, trồng 2-3 năm cho trái. Trước khi trồng, tôi phải làm đất, lên liếp, tính toán kỹ lưỡng khoảng cách trồng giữa các cây.

Đồng thời, tìm nơi mua cây giống uy tín, chất lượng và học hỏi kỹ thuật chăm sóc, dưỡng cây… Nói chung, cây càng khó tính mà trồng thành công thì lợi nhuận sẽ càng cao. Hiện, cây quýt đường cho thu hoạch quanh năm. Tôi xem đó là cách cây trả công xứng đáng cho vất vả người trồng bỏ ra” - anh Hoàng cho biết.

Khi bước vào “tuổi” cho trái, cây quýt đường sẽ cho trái quanh năm, không theo mùa như những cây trồng khác. Hiện, 5 công quýt của anh cứ 2 tháng sẽ thu hoạch một đợt (1-2 tấn trái/đợt). Trừ hết chi phí, lợi nhuận có thể đạt 30-40 triệu đồng/đợt. Từ hiệu quả ban đầu, anh Hoàng mạnh dạn chuyển đổi thêm đất lúa kém hiệu quả sang trồng quýt đường, nâng tổng diện tích lên gần 20.000m2 gần 2.000 gốc.

Dự kiến, vườn quýt đường chuyển đổi sau sẽ cho thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán 2023. Nói về số tiền bỏ ra đầu tư, anh Hoàng cho biết là khá lớn, gồm các khoản chi phí, như: Lên liếp, mua cây giống, đầu tư hệ thống tưới tự động… Tuy nhiên, nếu chịu khó chăm sóc tốt, khoảng 1 năm sau khi bắt đầu thu hoạch, có thể thu hồi vốn.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng cây quýt đường, anh Hoàng cho biết, cành quýt quá sai trái phải cắt tỉa bớt, mỗi cây giữ lại 50% trái, vừa đảm bảo dinh dưỡng nuôi cây, trái to, đạt chất lượng, vừa bán được giá. Nếu ham giữ trái nhiều, khi bán giá sẽ không cao như mong muốn. Vì thế, trong giai đoạn đầu thu hoạch, nhà vườn chỉ giữ lại số lượng trái nhất định trên mỗi cây, để đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao. Mặc dù trồng cây quýt đường là mô hình mới, nhưng đã cho thấy sự mạnh dạn của anh Hoàng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp tăng lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích, góp phần nâng cao thu nhập.

“Tôi phải thuê lao động ở tỉnh Đồng Tháp sang tuyển bớt trái vào mỗi vụ, tiền công 200.000 đồng/ngày. Đa số lao động đều có kinh nghiệm trong việc tuyển trái, dưỡng cây, nên tôi rất yên tâm!” - anh Hoàng cho hay.

Chính kỹ thuật cắt tỉa cành là yếu tố quyết định đến việc cho năng suất của cây quýt đường. Căn cứ vào mật độ trồng mà có thể cắt tỉa cành hợp lý, miễn sao mỗi cây đều có các cành ở mọi hướng là được. Sau mỗi vụ thu hoạch, cần loại bỏ cành già, cành sâu bệnh để cây tiếp tục ra cành mới cho vụ năm sau.

Anh Hoàng cho biết, giá quýt đường dao động từ 23.000-30.000 đồng/kg khi thu mua tại vườn. Nếu bán vào dịp Tết hoặc các ngày rằm, giá sẽ tăng gấp rưỡi, gấp đôi. Tuy nhiên, năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, giá quýt không như mong muốn. Từ những khởi sắc của năm 2022, anh Hoàng và gia đình đang mong chờ mùa quýt “ngọt”.

Với tinh thần năng động, sáng tạo và cần cù trong lao động, anh Hoàng đã miệt mài nghiên cứu, chịu khó học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi. “Vườn phải giữ cỏ xanh tốt để bảo vệ bộ rễ cám của cây không bị hư. Đồng thời, cỏ còn giúp đất ít bị rửa trôi, tăng lượng ô-xy và hệ vi sinh vật trong đất, giữ mực nước ổn định trong vườn, đó là những yếu tố cơ bản khi làm vườn. Vì vậy, khi làm vườn, tôi đã trồng thêm cỏ. Ngoài ra, tôi ấp ủ ý định về việc phát triển một vườn sinh thái trong tương lai, để vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa góp phần phát triển du lịch địa phương” - anh Hoàng cho biết thêm.  

“Mô hình trồng quýt đường của anh Hoàng bước đầu cho tín hiệu khả quan. Giá quýt đường cao và ổn định, giúp người nông dân nâng cao thu nhập. Địa phương khuyến khích nông dân có đất canh tác không hiệu quả chuyển đổi cây trồng”- Phó Chủ tịch UBND xã Định Thành Phạm Hoàng Cảnh thông tin.

PHƯƠNG LAN