Chăm lo thế hệ “măng non” của nước nhà

05/07/2022 - 08:01

 - Thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW, ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ được sống, học tập, vui chơi an toàn, lành mạnh.

Chăm sóc, bảo vệ những chủ nhân tương lai

10 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã coi trọng, xác định đúng vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; ban hành các chỉ thị, chương trình, kế hoạch, dự án để lãnh, chỉ đạo tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cơ quan đơn vị và nhân dân về công tác này.

Theo đó, công tác chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em được quan tâm thường xuyên và thực hiện tốt. Ngành y tế phối hợp các địa phương, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các mục tiêu, giải pháp về chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, nhất là trong điều kiện ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em. Đến năm 2021, trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ 8 loại vaccine theo quy định đạt 71,8%; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chiến dịch vaccine ngừa bệnh sốt bại liệt cho trẻ dưới 5 tuổi; phòng, chống tiêu chảy, sốt xuất huyết, nha học đường…

Với quan điểm giáo dục là quyền phát triển đặc thù của trẻ em và quyền cơ bản của con người; đầu tư phát triển giáo dục cho trẻ em là đầu tư cho phát triển nguồn lực con người - một nhân tố quyết định sự phát triển của đất nước. Những năm qua, Tỉnh ủy chú trọng chỉ đạo thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, luôn ưu tiên đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, kết quả đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Cùng với đó, từ năm 2012 đến nay, các ban, ngành, đoàn thể các cấp đã tổ chức nhiều loại hình hoạt động chăm lo cho trẻ em, tác động tích cực vào việc tạo môi trường lành mạnh cho trẻ em, nhằm thực hiện tốt quy trình từ khâu phòng ngừa, phát hiện các trường hợp trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đến việc hỗ trợ phục hồi, tái hòa nhập cho trẻ em cần sự can thiệp, trợ giúp.

UBND tỉnh thành lập Ban điều hành hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng và thành lập đường dây nóng gọi miễn phí đến đầu số “18008077” và Tổng đài 111 để tiếp nhận các thông tin liên quan đến trẻ em…

Thực hiện quyền vui chơi, giải trí và quyền tham gia của trẻ em, toàn tỉnh hiện có 2 nhà thiếu nhi; 4 địa phương đang thi công xây dựng nhà thiếu nhi (huyện An Phú, Thoại Sơn, Chợ Mới, TP. Châu Đốc); 11 trung tâm thể dục - thể thao đang duy trì hoạt động tốt; 3 sân vận động có khán đài, 49 sân vận động không có khán đài, 329 sân bóng đá mi-ni; 446 sân bóng chuyền; 32 sân bóng rổ, 115 hồ bơi cố định và lắp ráp (di dộng) nhằm hỗ trợ dạy bơi cho trẻ. Hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao được các ngành chuyên môn có liên quan phối hợp tổ chức thường xuyên, cao điểm tập trung trong Tháng hành động vì trẻ em, Tháng sinh hoạt hè… Các hoạt động này góp phần giúp các em rèn luyện thể chất, phát huy sáng tạo, hình thành lối sống mới.

Đầu tư, giúp trẻ phát triển toàn diện

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng, để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 20-CT/TW của Bộ Chính trị, các chương trình hành động, đề án, chỉ thị của Chính phủ về công tác trẻ em; đưa mục tiêu, chỉ tiêu về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em thành nội dung trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục; khai thác các kênh truyền thông hiện đại, mạng xã hội, chuyển tải nhanh chóng, kịp thời các thông tin tích cực, chính thống. Tập trung tuyên truyền, nhân rộng các điển hình, tấm gương những người yêu trẻ; quan tâm giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Đồng thời phê phán, lên án các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại, bạo lực, lôi kéo trẻ em vào hoạt động tội phạm và cản trở việc thực hiện các quyền của trẻ em.

Tăng cường quản lý nhà nước, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp. Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; bố trí quỹ đất dành cho việc xây dựng các công trình phúc lợi cho trẻ em. Từng bước bố trí tăng nguồn ngân sách cho sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; trong đó ưu tiên kinh phí đầu tư các công trình cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, hộ nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo hướng nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư và các tổ chức chính trị - xã hội. Tích cực vận động xây dựng Quỹ Bảo trợ trẻ em, tập trung đầu tư các công trình văn hóa, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em… giúp trẻ phát triển toàn diện.

THU THẢO