Chấn chỉnh kỷ cương tài chính ngân sách

28/05/2018 - 19:32

Bộ Tài chính vừa công bố báo cáo thu, chi ngân sách 4 tháng đầu năm 2018, với tổng thu ước đạt 446,4 nghìn tỷ đồng, tổng chi khoảng 410 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, chi thường xuyên chiếm 73,5% tổng chi. Theo các chuyên gia kinh tế, để bảo đảm an toàn, hiệu quả tài chính ngân sách cần phải chấn chỉnh kỷ cương, rà soát để tránh thất thu, tiết kiệm chi tiêu, đặc biệt là tiết kiệm chi thường xuyên để tăng nguồn cho chi đầu tư phát triển.

Chi tiêu lãng phí, đội vốn đầu tư

Hiện nay, chi thường xuyên (tức là chi cho lương, cho hoạt động của bộ máy Nhà nước) đang chiếm 66% tổng thu. Bên cạnh đó, cơ cấu chi thường xuyên, chi hoạt động các cơ quan quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể chiếm khoảng 14,47%, còn lại là chi phát triển các sự nghiệp y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tiến độ chi đầu tư phát triển 4 tháng chỉ đạt 16,3% dự toán, giảm 5,2% so cùng kỳ là vấn đề đáng lo ngại. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, năm 2017 cả nước đã tiết kiệm được 51.401 tỷ đồng (trong đó tiết kiệm kinh phí, vốn của Nhà nước 47.945 tỷ đồng; tiết kiệm vốn tại doanh nghiệp Nhà nước 3.456 tỷ đồng). Tuy nhiên, tình trạng chấp hành kỷ luật ngân sách Nhà nước (NSNN) ở nhiều nơi, nhiều chỗ còn chưa nghiêm, kể cả ở Trung ương và các địa phương, các cơ quan Nhà nước lẫn các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Chi ngân sách cho đầu tư phát triển giảm là vấn đề đáng lo ngại. Trong ảnh: Đường vành đai 3 trên cao nút giao Khuất Duy Tiến-Hà Nội. Ảnh: TRỌNG HẢI

Đặc biệt, thời gian gần đây, có nhiều dự án đầu tư công đội vốn hàng nghìn tỷ đồng. Điển hình như Dự án nạo vét xây kè sông Sào Khê ở Ninh Bình được điều chỉnh tăng 36 lần (từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng); Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh) ban đầu có mức đầu tư 1.850 tỷ đồng, sau đội vốn thêm hơn 2.500 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư lên 4.400 tỷ đồng nhưng dự án vẫn thi công ì ạch và liên tiếp xin gia hạn... Theo ông Lê Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính: Việc đội vốn lớn từ các dự án đầu tư xây dựng cơ bản khiến NSNN khó cân đối khi nguồn thu ngân sách cũng ngày càng hạn chế, trong khi các nguồn vốn đi vay nợ nước ngoài cũng dần phải tiến tới cơ chế trả lãi theo thị trường, hết thời gian ưu đãi.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), cùng với chi nuôi bộ máy hành chính, chi trả nợ cũng ngày càng tăng và trở thành gánh nặng cho NSNN của Việt Nam. Dù Chính phủ vẫn bảo đảm thanh toán trả nợ nhưng hệ số thanh toán trả nợ khá cao. Mặt khác, lãi suất vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài tăng lên làm tăng chi phí huy động vốn và nghĩa vụ trả nợ. Nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại về bền vững tài khóa.

Gắn trách nhiệm đúng người, đúng việc

Theo dự toán chi NSNN năm 2018, cơ cấu chi đầu tư phát triển chiếm 26,2%, chi trả nợ lãi chiếm 7,39%, chi thường xuyên chiếm 61,76%. Đáng lưu ý là trên thực tế, thực chi luôn cao hơn dự toán. Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là do nhận thức, chưa có tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng tiết kiệm kinh phí NSNN, tài sản công. Chủ trương giao quyền tự chủ về mặt tài chính cho các cơ quan, đơn vị, một mặt tạo thuận lợi, nhưng mặt khác thanh, kiểm tra chưa sát nên vi phạm vẫn xảy ra. Đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh, vừa qua Quốc hội đã ban hành Luật NSNN, Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Thanh tra, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… trong đó quy định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp và đơn vị trong quản lý ngân sách. Xu hướng trao quyền chủ động, tự chủ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quản lý, sử dụng NSNN và tài sản công sẽ tiếp tục được triển khai, nhưng đi kèm theo đó sẽ là yêu cầu trách nhiệm quản lý, trách nhiệm giải trình cao hơn từ thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương và từng cán bộ, công chức trực tiếp có liên quan…

Với các dự án đội vốn đầu tư công, theo ông Lê Tuấn Anh, đã có đầy đủ các quy định cụ thể. Các cá nhân, tổ chức nào sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng đã quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp trong lập, thẩm định và quyết định đầu tư dự án; đồng thời cũng quy định rõ điều kiện được điều chỉnh dự án. Đối với đầu tư công, bộ trưởng và chủ tịch UBND tỉnh là người quyết định đầu tư. Do vậy, quá trình thực hiện nếu có điều chỉnh không đúng thì trách nhiệm đầu tiên thuộc chủ đầu tư, cơ quan thẩm định và người phê duyệt điều chỉnh; các cá nhân, tổ chức nào sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Một trong những biện pháp kiểm soát chi mà Bộ Tài chính đưa ra là khoán xe công, quản lý trụ sở công. Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục quản lý Công sản, Bộ Tài chính cho biết, quy định việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô theo phương thức tự nguyện nhưng đã quy định rõ hơn cách xác định mức khoán kinh phí theo hướng dễ thực hiện, bảo đảm phương tiện cho đối tượng nhận khoán. Việc khoán kinh phí sử dụng đã góp phần giảm đáng kể số lượng xe ô tô công; giảm kinh phí sử dụng, chi phí vận hành xe; số lượng nhân viên lái xe giảm; tăng hiệu suất sử dụng xe ô tô công… Ngoài ra, căn cứ theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31-12-2017 của Chính phủ, các sai phạm trong sử dụng trụ sở sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức sẽ được xử lý; đồng thời, thu nộp ngân sách đối với các khoản thu từ sử dụng trụ sở làm việc để cho thuê, liên doanh, liên kết sai quy định. Các quy định trên, sẽ góp phần sử dụng trụ sở làm việc được tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát tài sản công.

Theo HOÀNG TRƯỜNG GIANG (Quân đội nhân dân)

 

Liên kết hữu ích