Châu Phú hỗ trợ nông dân thu hoạch và tiêu thụ nông sản

13/08/2021 - 07:01

 - Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, trong đó có hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản. Để khắc phục khó khăn, UBND huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) đã triển khai các biện pháp hỗ trợ nông dân thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông sản, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Nông dân tham gia thu hoạch lúa phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Vụ hè thu năm nay, huyện Châu Phú xuống giống trên 34.806ha (đạt 99,9% kế hoạch), trong đó, diện tích lúa trên 32.756ha, diện tích rau màu trên 2.050ha. Dự kiến đến ngày 30-8 sẽ thu hoạch dứt điểm 32.756ha lúa, ước sản lượng 194.676 tấn. Do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, UBND huyện Châu Phú đặt ra yêu cầu nông sản của huyện phải được thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ đảm bảo thuận lợi, an toàn, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú Huỳnh Tấn Hưng cho biết: “Triển khai thực hiện kế hoạch do UBND huyện ban hành về việc hỗ trợ nông dân thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông sản trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khẩn trương chỉ đạo cán bộ của ngành ở các địa bàn tích cực tham mưu, hỗ trợ UBND các xã, thị trấn, rà soát lập danh sách tất cả các chủ máy cắt, máy kéo, nhân công theo máy, người bốc vác và thương lái… để lên phương án hỗ trợ người dân thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông sản kịp thời,  đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19”.

Theo đó, UBND các xã, thị trấn đã thống kê, rà soát danh sách tất cả hộ nông dân có đất sản xuất trong từng tiểu vùng hoặc từng ấp; xác định rõ nông sản, dự kiến ngày thu hoạch, nơi thuê máy gặt đập liên hợp, máy kéo để lên phương án hỗ trợ. UBND các xã, thị trấn đã phát hành “giấy thông hành” có xác nhận của địa phương cho lực lượng tham gia thu hoạch và vận chuyển nông sản. Đồng thời, thành lập các nhóm hỗ trợ nông dân thu hoạch, tiêu thụ nông sản; các nhóm này có nhiệm vụ kiểm tra các điểm tập kết lúa, kiểm tra “giấy thông hành” và kiểm tra việc tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.

Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, các thương lái, công ty, doanh nghiệp, chủ máy gặt đập liên hợp, máy kéo và nhân công tham gia quá trình thu hoạch, nếu là người trên địa bàn huyện Châu Phú chỉ thực hiện khai báo y tế; nếu là người từ địa phương khác đến phải cung cấp giấy xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS- CoV-2 (có giá trị trong 3 ngày kể từ khi có kết quả) hoặc test nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 24 giờ, đồng thời phải cung cấp các giấy tờ tùy thân để đối chiếu thông tin, kèm theo phiếu khai báo y tế có cam kết lời khai. Kết quả xét nghiệm RT-PCR và test nhanh kháng nguyên phải do các cơ sở y tế được cơ quan có thẩm quyền trực thuộc Bộ Y tế công nhận và cấp phép theo quy định. Đối với các phương tiện, người điều khiển và người tham gia vận chuyển phải cam kết không neo đậu ngoài địa điểm tập kết lúa, khi tập kết lúa xuống ghe xong phải vận chuyển đến kho ngay.

Đối với những nơi có diện tích sản xuất nằm trong khu vực thiết lập vùng cách ly y tế, UBND các xã lập danh sách người và phương tiện tham gia thu hoạch, cấp thẻ đeo để phân biệt với người tham gia thu hoạch tại các vùng khác. Người và phương tiện di chuyển vào vùng cách ly để thu hoạch phải tuân thủ theo hướng dẫn của địa phương, tuyệt đối không tiếp xúc với người dân trong khu vực này. Sau khi thu hoạch sẽ vận chuyển và tập kết lúa ra khỏi khu vực phong tỏa để cân cho thương lái. Trường hợp nông dân có đất sản xuất trong khu vực phong tỏa nếu không có người thân hỗ trợ thu hoạch và bán lúa, UBND xã sẽ phân công cán bộ hỗ trợ.

Trong điều kiện hiện nay, nông sản sau khi thu hoạch chỉ tập trung tiêu thụ thị trường nội địa là chủ yếu, do đó, UBND huyện Châu Phú đã chỉ đạo ngành chức năng huyện nỗ lực hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Theo đó, Phòng Kinh tế - Hạ tầng đã tăng cường xây dựng mạng lưới, kênh phân phối sản phẩm trong và ngoài địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tiêu thụ sản phẩm, nhất là xây dựng mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp theo nhu cầu tiêu dùng hàng nông nghiệp của người dân ở các chợ và vùng cách ly theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn huyện. Đồng thời, kích hoạt các nhà máy sấy, kho dự trữ của các công ty thu mua để dự trữ, bảo quản nông sản. Hội Nông dân huyện tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia thành viên tổ hợp tác theo các tiểu vùng sản xuất để làm đầu mối liên kết và mở rộng kênh tiêu thụ nông sản…

MỸ LINH