Châu Thành đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng

05/02/2025 - 07:00

 - Với thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, huyện Châu Thành tập trung chuyển đổi cơ cấu, phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, toàn diện, phù hợp với điều kiện địa phương. Đồng thời, khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm nông nghiệp.

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Nguyễn Phạm Tuấn cho biết, xác định sản xuất nông nghiệp là khâu đột phá, xem thương mại, dịch vụ là nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, huyện đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp tích cực để khai thác đúng tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, toàn diện. Trong đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo ứng dụng công nghệ cao là nhiệm vụ được chú trọng thực hiện. Đặc biệt, chủ động phối hợp các ngành chuyên môn của tỉnh chuyển giao công nghệ, giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản; đẩy mạnh cơ giới hóa trong thu hoạch lúa, nâng diện tích sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao; từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích nông dân tham gia sản xuất lúa áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái, ứng dụng công nghệ cao…

Địa phương cũng tập trung củng cố, nâng cao năng lực hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp, nông dân đầu tư mở rộng chăn nuôi gia trại, trang trại theo hướng an toàn sinh học. Nhờ vậy, giá trị sản xuất (GO) giá so sánh năm 2010 lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 đạt gần 5.162 tỷ đồng. Tổng diện tích gieo trồng năm 2024 gần 81.183ha, đạt hơn 105% so kế hoạch cả năm. Trong đó, diện tích xuống giống lúa trên 78.601ha, màu gần 2.582ha.

Hiện nay, huyện Châu Thành từng bước xây dựng vùng chuyên canh sản xuất tập trung, với những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp và thích ứng biến đổi khí hậu. Tổng diện tích trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng rau, màu và cây ăn trái trên 876ha (trên 57ha cây ăn trái, gần 819ha rau màu). Nhiều mô hình ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ trong nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển sản phẩm sạch, an toàn được triển khai thí điểm và nhân rộng. Có thể kể đến: Sản xuất rau màu an toàn, lúa giống chất lượng cao, nấm ăn, nấm dược liệu; trồng hoa kiểng; chăn nuôi an toàn sinh học, ứng dụng hệ thống tưới phun tự động bằng pin năng lượng mặt trời phục vụ trồng cây ăn trái; canh tác lúa thông minh, ứng dụng bón lót, phun giống, thuốc bằng máy bay không người lái (drone); trồng dưa hấu theo hướng hữu cơ; ứng dụng chế phẩm sinh học và thảo dược trong nuôi dê...

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành Trương Ngọc Lợi cho biết, nhiều nông dân địa phương mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Trần Văn Thủy (ngụ ấp Vĩnh Hòa 1, xã Vĩnh Nhuận) thành công với mô hình trồng sầu riêng. Ông Thủy chia sẻ: “Được chính quyền địa phương tạo điều kiện, giúp đỡ, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăm sóc kết hợp tham quan các mô hình trồng cây ăn trái hiệu quả, tôi trồng hơn 1ha sầu riêng. Mô hình đang mang lại hiệu quả cao, góp phần cải thiện kinh tế gia đình”.

Để giảm chi phí và công chăm sóc, ông Nguyễn Ngọc Châu (xã Vĩnh Hanh) ứng dụng hệ thống tưới phun tự động bằng pin năng lượng mặt trời khi canh tác 2ha na. “Áp dụng hệ thống này, ngoài việc tiết kiệm chi phí sản xuất, công lao động, hạn chế sinh vật gây hại, còn giúp cây phát triển ổn định, tăng hiệu quả sản xuất” - ông Châu chia sẻ.

Ông Nguyễn Phạm Tuấn cho biết: “Thời gian tới, huyện Châu Thành tiếp tục tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng giá trị và chất lượng nông sản. Đồng thời, củng cố, nâng cao năng lực hợp tác xã, tổ hợp tác, từng bước xây dựng vùng chuyên canh sản xuất tập trung với những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, có tính cạnh tranh cao và tiềm năng phát triển, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng”.

 Huyện tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng tổ chức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể; kinh tế trang trại; liên kết sản xuất… Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo đầu ra ổn định, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

LÊ HOÀNG