Châu Thành huy động sức dân phát triển hạ tầng giao thông

20/03/2024 - 06:26

 - Những năm qua, huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) tập trung huy động đóng góp của Nhân dân để cùng Nhà nước hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nói chung, trong đó có phát triển giao thông nông thôn. Qua đó, góp phần tạo nên diện mạo mới cho những vùng quê khó khăn, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Là huyện ven đô, có nhiều kênh, rạch chằng chịt và nhiều cầu gỗ bị xuống cấp, nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân rất khó khăn. Đảng bộ, chính quyền huyện Châu Thành huy động mọi nguồn lực xã hội, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau, như: Vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, nhà hảo tâm, các đội thi công từ thiện và người dân để chung tay thực hiện đầu tư phát triển hệ thống cầu giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM).

Năm 2023, huyện Châu Thành hoàn thành nâng cấp 9 tuyến đường, chiều dài 40,9km, tổng kinh phí 92,5 tỷ đồng. Triển khai thi công xây dựng 11 công trình cầu, chiều dài 322m, tổng kinh phí 17,9 tỷ đồng. Nổi bật, như: Cầu UBND xã nối liền ấp Hòa Lợi 3 và Hòa Lợi 4 (xã Vĩnh Lợi), được xây dựng kết cấu bê-tông cốt thép, dài 39m, rộng 4,9m, tải trọng 8 tấn, tổng kinh phí xây dựng trên 2,7 tỷ đồng; cầu Dinh Sơn Trung (xã Vĩnh An) được xây dựng mới có kết cấu bê-tông cốt thép, dài 57m, rộng 5,5m, kinh phí xây dựng trên 3 tỷ đồng.

Ngoài ra, duy tu, nâng cấp đoạn đường từ Đường tỉnh 941 vào Khu di tích lịch sử - văn hóa Dinh Sơn Trung thuộc xã Vĩnh An, với chiều dài hơn 1,5km, mặt đường 5,5m.

Khánh thành cầu nông thôn

Đặc biệt, cầu Thành Phú và đường Nam Kênh 10 được xây dựng khoảng 37 tỷ đồng, nối xã Vĩnh An (huyện Châu Thành) với xã Bình Phú (huyện Châu Phú) đã tạo động lực để 2 địa phương phát triển sản xuất - kinh doanh, lưu thông hàng hóa. Cầu được thiết kế 2 làn xe cơ giới, dài gần 167m, chiều rộng mặt cầu 6m. Đường Nam Kênh 10 thuộc đường dẫn bờ huyện Châu Phú dài 520m, chiều rộng mặt đường 5m, láng nhựa. Trong khi đó, đường dẫn bờ huyện Châu Thành có chiều dài gần 39m, chiều rộng 8,6m, mặt đường bê-tông.

Xác định giao thông là huyết mạch, động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, Đảng bộ, chính quyền huyện Châu Thành tập trung rà soát, quy hoạch nâng cấp, mở rộng đường giao thông, kiên cố hóa cầu giao thông nông thôn. Trong điều kiện khó khăn về vốn, để phát triển hệ thống giao thông nông thôn, huyện Châu Thành đã vận dụng linh hoạt các nguồn vốn, nhất là dựa vào dân và huy động đóng góp của Nhân dân. Qua đó, hệ thống giao thông nông thôn cơ bản đảm bảo, nối liền huyện đến trung tâm xã, thị trấn, liên xã, với tuyến đường được láng nhựa, bê-tông hóa, cầu xây dựng kiên cố.

Ông Nguyễn Văn Tài (ngụ ấp Hòa Lợi 2, xã Vĩnh Lợi) chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương cùng sự đóng góp của các nhà hảo tâm, giờ đây, các tuyến đường liên xã, liên huyện hầu hết được láng nhựa, bê-tông hóa; 2 bên lề đường được trồng hoa, lắp đèn chiếu sáng. Bà con đi lại, học sinh đi học thuận tiện, an toàn, ai nấy đều phấn khởi”.

Trước đây, người dân đi từ Đường tỉnh 941 vào Khu di tích lịch sử - văn hóa Dinh Sơn Trung (thuộc xã Vĩnh An) khó khăn, do đường hẹp và xuống cấp. Từ Tết Nguyên đán 2024, người dân đã đi lại và đến Dinh Sơn Trung thuận lợi hơn rất nhiều, khi đoạn đường này được nâng cấp thông thoáng, cùng với cầu Dinh Sơn Trung được xây dựng mới và đã đưa vào sử dụng.

Ông Lê Văn Tùng (ngụ ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh An) chia sẻ: “Tôi và bà con ở đây rất phấn khởi, khi đường sá được đầu tư nâng cấp, mở rộng thông thoáng, đáp ứng tốt việc đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa của người dân”. “Bây giờ đi đến Dinh Sơn Trung thuận tiện hơn trước rất nhiều, khi đường sá được mở rộng. Người dân có nhiều đường đi đến dinh hơn, nên không còn kẹt xe như trước” - chị Nguyễn Thị Lài (ngụ xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới) cho biết.

Thời gian tới, huyện Châu Thành tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sức dân thực hiện phong trào xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn. Đồng thời, rà soát, kiểm tra mức độ ưu tiên đầu tư các công trình trên địa bàn, để có kế hoạch về vốn ngân sách và huy động nguồn lực xã hội để thực hiện hiệu quả.

Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra công trình; phát huy vai trò của UBMTTQVN các cấp giám sát công trình đảm bảo chất lượng và tiến độ. Nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong các hoạt động xây dựng cầu nông thôn trên địa bàn huyện…

TRUNG HIẾU