Châu Thành phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững

30/09/2024 - 07:06

 - Những năm qua, huyện Châu Thành tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất theo hướng bền vững. Trong đó, tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thích ứng biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh, nhằm tăng giá trị nông sản, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Xác định nông nghiệp là khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, huyện Châu Thành triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện địa phương; chú trọng xây dựng nhiều vùng chuyên canh sản xuất tập trung, mang lại giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, quan tâm hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện địa phương, thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời, tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp (DN), nông dân ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt, chăn nuôi. Qua đó, góp phần tăng sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo đầu ra nông sản ổn định, giúp nông dân yên tâm canh tác.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Nguyễn Phạm Tuấn cho biết, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện từng bước xây dựng vùng chuyên canh sản xuất tập trung. Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng của địa phương, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục cơ cấu lại các lĩnh vực của ngành, ưu tiên đầu tư phát triển các loại sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển đổi diện tích từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn trái phù hợp điều kiện địa phương và nhu cầu của thị trường.

Khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Hơn 3 năm qua, huyện Châu Thành đã vận động nông dân chuyển đổi từ đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái và cây màu, rau dưa các loại, với diện tích trên 7.915ha. Trong đó, chuyển đổi sang trồng màu (lũy kế quay vòng) trên 7.718ha, chuyển đổi sang trồng cây ăn trái tăng gần 197ha so với năm 2020, lũy kế diện tích trồng cây ăn trái toàn huyện trên 628ha.

Quá trình chuyển đổi xuất hiện một số mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, được địa phương duy trì, nhân rộng, như: Sản xuất rau màu an toàn, lúa giống chất lượng cao, nấm ăn, nấm dược liệu; trồng hoa kiểng; chăn nuôi an toàn sinh học, ứng dụng hệ thống tưới phun tự động bằng pin năng lượng mặt trời phục vụ trồng cây ăn trái; canh tác lúa thông minh, ứng dụng bón lót, phun giống, thuốc bằng máy bay không người lái (drone); trồng dưa hấu theo hướng hữu cơ; ứng dụng chế phẩm sinh học và thảo dược trong nuôi dê...

Huyện Châu Thành còn chú trọng nâng cao năng lực hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT) tại vùng quy hoạch sản xuất, hình thành liên kết phục vụ chuỗi sản xuất. Việc liên kết của các HTX với các DN bước đầu đã mang lại hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân. Đặc biệt, làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp cho người dân trên địa bàn huyện. Hiện nay, ở huyện Châu Thành có 19 HTX và 132 THT đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tổng diện tích liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản bình quân từ 16.000 - 21.000ha/năm.

Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) được thực hiện thường xuyên. Công tác quản lý sản phẩm OCOP, như: Xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu chung của huyện về sản phẩm OCOP. Ngoài ra, huyện cũng tăng cường thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, nhất là đối với các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương. Kết quả, đã có 3 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao, gồm: Nấm đông trùng hạ thảo khô (xã Cần Đăng), nước mắm chai Cô Nành (xã Vĩnh Thành) và sầu riêng Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Nhuận).

Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Lê Kỳ Quang nhấn mạnh: “Thời gian tới, huyện Châu Thành tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhằm phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái. Trong đó, từng bước xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất tập trung, với những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp từng địa phương và thích ứng tình hình dịch bệnh và biến đổi khí hậu, nhằm hướng đến sản xuất nông sản an toàn, truy xuất nguồn gốc. Khuyến khích, hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Quan tâm công tác dự báo, đánh giá tình hình, thường xuyên cập nhật, nắm bắt thông tin cung cầu hàng hóa nông sản, giải quyết tốt vấn đề thị trường tiêu thụ nông sản, tạo tiền đề để thực hiện chuỗi giá trị bền vững, góp phần tạo động lực về lợi ích cho người dân”.

Đặc biệt, địa phương sẽ tiếp tục củng cố, nâng chất hoạt động các HTX, THT trên địa bàn huyện gắn với liên kết các ngành hàng chủ lực với các DN theo chuỗi giá trị. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quảng bá rộng rãi các sản phẩm OCOP và các sản phẩm tiềm năng, đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Cùng với đó, nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong quản lý kinh tế tập thể, huy động sự tham gia của mọi nguồn lực, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế tập thể theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.

TRUNG HIẾU