Châu Thành sản xuất nông nghiệp hiệu quả

12/06/2023 - 07:49

 - Là địa phương có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, huyện Châu Thành quan tâm cơ cấu lại ngành hàng nông nghiệp, phù hợp điều kiện của từng địa phương. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất - kinh doanh hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Thời gian qua, huyện Châu Thành tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đặc biệt chú trọng xây dựng được nhiều vùng chuyên canh sản xuất tập trung với những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp thổ nhưỡng và thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; củng cố, nâng cao năng lực các hợp tác xã, tổ hợp tác, các tổ liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp (DN). Phối hợp các ngành chuyên môn tích cực chuyển giao công nghệ tiên tiến, tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, nhất là công nghệ sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành Trương Ngọc Lợi cho biết, các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với nhau và với các DN, gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra nông sản, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân…

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Châu Thành yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tập trung phát huy thế mạnh, thúc đẩy hợp tác, liên kết, tổ chức lại sản xuất. Đồng thời, từng bước xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất tập trung, với những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp từng vùng, từng địa phương, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận tiến bộ KHKT trong lĩnh vực nông nghiệp.

Qua đó, xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới, góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc thực hiện chuyển đổi cây trồng đã xuất hiện một số mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, được duy trì và nhân rộng, như: Ứng dụng hệ thống tưới phun tự động bằng pin năng lượng mặt trời phục vụ cho trồng cây ăn trái; trồng nấm rơm dạng trụ và tận dụng phụ phẩm sau trồng nấm để ủ phân hữu cơ; canh tác lúa thông minh ứng dụng bón lót và phun giống, thuốc bằng máy bay không người lái (drone); trồng dưa hấu theo hướng hữu cơ leo giàn; ứng dụng chế phẩm sinh học và thảo dược trong nuôi dê; nuôi cá chạch lấu trong mùng…

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Trần Văn Kết (ngụ ấp Tân Thạnh, xã Tân Phú) thành công với mô hình trồng sầu riêng. Năm 2017, ông chuyển 0,5ha đất từ trồng lúa sang trồng 100 cây sầu riêng giống Ri 6. Sau 5 năm trồng, vườn sầu riêng của ông bắt đầu thu hoạch. Ông ước tính, sầu riêng được thương lái thu mua với giá 80.000 đồng/kg sẽ mang lại cho gia đình khoảng 100 triệu đồng/năm.

Để giảm chi phí và nhân công, ông đầu tư thêm hệ thống tưới tiết kiệm nước cho vườn sầu riêng của mình. Ngoài ra, ông còn tận dụng diện tích trống giữa các cây sầu riêng để trồng thêm chanh, dừa… kiếm thêm thu nhập. “Bên cạnh việc tìm hiểu, ứng dụng các tiến bộ KHKT để chăm sóc vườn sầu riêng hiệu quả nhất, tôi sẽ đầu tư thêm một số tiểu cảnh và mở dịch vụ du lịch sinh thái để du khách gần xa đến trải nghiệm, thưởng thực sầu riêng” - ông Kiết chia sẻ.

Cùng với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân huyện Châu Thành còn phát triển nhiều mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, phải kể đến mô hình nuôi lươn sinh sản của anh Phan Ngọc Thuận (ngụ ấp Hòa Thạnh, xã Hòa Bình Thạnh), anh Lê Thanh Tuấn (ngụ ấp An Hòa, xã An Hòa); mô hình nuôi dê ứng dụng chế phẩm sinh học của anh Hà Minh Ngoan (ngụ ấp An Phú, xã An Hòa)…

Ứng dung tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao

Sở hữu khoảng 80 bồn nuôi lươn, cơ sở của anh Lê Thanh Tuấn là một trong những nơi cung ứng lươn giống và thương phẩm uy tín cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Mô hình mang lại cho gia đình anh Tuấn thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm. Theo anh Lê Thanh Tuấn, nuôi lươn theo mô hình không bùn tiết kiệm nhiều chi phí, dễ quản lý, chăm sóc. Tuy nhiên, để việc nuôi lươn mang lại hiệu quả cao, ngoài việc chọn con giống tốt, sạch bệnh, trong quá trình nuôi, phải đảm bảo nguồn nước sạch và thường xuyên theo dõi lươn phát triển để chăm sóc kịp thời.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Nguyễn Phạm Tuấn cho biết, thời gian tới, huyện Châu Thành thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển, gắn với khai thác và tận dụng tốt lợi thế của địa phương. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn. Trong đó, tập trung phát triển và nhân rộng các mô hình gắn với liên kết tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản. Tăng cường chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân để áp dụng hiệu quả vào quá trình sản xuất; chú trọng tổ chức sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Qua đó, giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất cũng như chất lượng sản phẩm, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

KHÁNH MY