Châu Thành tái cơ cấu ngành nông nghiệp

10/04/2024 - 02:35

 - Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) từng bước xây dựng vùng chuyên canh sản xuất tập trung, với những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp và thích ứng biến đổi khí hậu. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân.

Thời gian qua, huyện Châu Thành tập trung thực hiện đồng bộ giải pháp trọng tâm tái cơ cấu nông nghiệp. Trong đó, chú trọng hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện địa phương, thích ứng biến đổi khí hậu, mang lại giá trị kinh tế cao. Ngành nông nghiệp huyện quan tâm đầu tư hệ thống kênh mương nội đồng, phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích nông dân tham gia sản xuất lúa áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái, ứng dụng công nghệ cao…

Tham quan mô hình trồng nấm rơm dạng trụ ứng dụng công nghệ cao

Huyện tập trung phát huy thế mạnh, thúc đẩy hợp tác, liên kết, tổ chức lại sản xuất. Đồng thời, từng bước xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất tập trung, với những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp từng vùng, từng địa phương, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn thử nghiệm và nhân rộng các loại cây trồng, vật nuôi mới, góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xã Bình Thạnh được xem là vùng chuyên canh rau màu của huyện. Dù giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định nhưng không thể phủ nhận rau màu tác động tích cực đến đời sống người dân nơi đây. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Nông dân địa phương trồng rau màu quanh năm, từ 3 - 5 vụ/năm, với diện tích khoảng 140ha. Người thì trồng loại này, người thì trồng giống kia nên thời gian thu hoạch và xuống giống hầu như ngày nào cũng có. Đó là cách để nông dân giảm nguy cơ “được mùa, mất giá”.

Anh Đặng Văn Phúc (ngụ ấp Thạnh Hòa) cho biết: “Để trồng màu, rẫy thời nay cần phải áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sản xuất theo quy chuẩn an toàn sinh học kết hợp áp dụng luân canh và đa canh vào sản xuất. Ngoài ra, cần phải có kinh nghiệm trong chọn giống cây trồng phù hợp thời tiết, mùa vụ và dự đoán thị trường tiêu thụ để tránh trường hợp trúng mùa nhưng mất giá”.

Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Trần Văn Kết (ngụ ấp Tân Thạnh, xã Tân Phú) thành công với mô hình trồng sầu riêng. Năm 2017, ông chuyển 0,5ha đất từ trồng lúa sang trồng 100 cây sầu riêng giống Ri 6. Sau 6 năm trồng, vườn sầu riêng của ông bắt đầu thu hoạch.

Ông cho biết, sầu riêng được thương lái thu mua với giá trung bình từ 70.000 - 100.000 đồng/kg mang lại cho gia đình khoảng 100 triệu đồng/năm. “Bên cạnh việc tìm hiểu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để chăm sóc vườn sầu riêng hiệu quả nhất, tôi sẽ đầu tư thêm một số tiểu cảnh và mở dịch vụ du lịch sinh thái để du khách gần xa đến trải nghiệm, thưởng thức sầu riêng” - ông Kết chia sẻ.

Để giảm chi phí và công chăm sóc, ông Trần Văn Thủy (ngụ ấp Vĩnh Hòa 1, xã Vĩnh Nhuận) đầu tư thêm hệ thống tưới tiết kiệm nước cho vườn sầu riêng của mình. Ngoài ra, ông còn tận dụng diện tích trống giữa các cây sầu riêng để trồng thêm hạnh và các loại rau ăn lá… kiếm thêm thu nhập.

Ông Thủy cho biết: “Nhờ chính quyền địa phương tạo điều kiện, giúp đỡ, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăm sóc kết hợp tham quan các mô hình trồng cây ăn trái hiệu quả, tôi mạnh dạn trồng hơn 1ha sầu riêng. Mô hình đang mang lại hiệu quả cao, góp phần cải thiện kinh tế gia đình”.

Cùng với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân huyện Châu Thành còn phát triển nhiều mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, phải kể đến mô hình nuôi lươn sinh sản của anh Phan Ngọc Thuận (ngụ ấp Hòa Thạnh, xã Hòa Bình Thạnh), anh Lê Thanh Tuấn (ngụ ấp An Hòa, xã An Hòa); mô hình nuôi dê ứng dụng chế phẩm sinh học của anh Hà Minh Ngoan (ngụ ấp An Phú, xã An Hòa)…

Từ lâu, cơ sở của anh Lê Thanh Tuấn là một trong những nơi cung ứng lươn giống và thương phẩm uy tín cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Mô hình mang lại cho gia đình anh Tuấn thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.

Theo anh Lê Thanh Tuấn, nuôi lươn theo mô hình không bùn tiết kiệm nhiều chi phí, dễ quản lý, chăm sóc. Tuy nhiên, để việc nuôi lươn mang lại hiệu quả cao, ngoài việc chọn con giống tốt, sạch bệnh, trong quá trình nuôi, phải đảm bảo nguồn nước sạch và thường xuyên theo dõi lươn phát triển để chăm sóc kịp thời.

Thời gian tới, huyện Châu Thành tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao những công nghệ giống cây trồng, vật nuôi; công nghệ bảo quản, chế biến nông sản; khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm.

Đồng thời, củng cố, nâng cao năng lực các hợp tác xã, tổ hợp tác, các tổ liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp; kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Qua đó, tăng sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp nông dân yên tâm canh tác.

TRUNG HIẾU