Chiếc áo dâng Bà

15/05/2025 - 07:20

 - Nếu muốn hiểu rõ nhận định “Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là một hiện tượng sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú”, hãy hòa mình vào dòng người đông đúc, tìm về nét truyền thống đặc sắc. Minh chứng rõ nhất là hoạt động khởi đầu Vía Bà hàng năm: May áo dâng Bà.

Bà Chúa Xứ không chỉ là hiện thân của một vị thần, mà còn kết tinh truyền thống yêu nước, tinh thần hòa hợp dân tộc, trân trọng vai trò của người phụ nữ trong cộng đồng. Nhiều người nhẩm tính, có lẽ Bà Chúa Xứ là vị Thánh Mẫu được dâng cúng nhiều áo nhất cả nước, khi mỗi năm, hàng trăm chiếc áo đủ màu sắc, đủ kiểu dáng do khách thập phương trao gửi tấm lòng. Áo nhiều đến mức, Ban Quản trị Lăng miếu Núi Sam phải tổ chức bốc thăm, định kỳ 2 tuần/lần làm lễ tắm và thay áo cho Bà. Mỗi lần như vậy, nhiều chiếc áo được khoác chồng lên tượng Bà, chia sẻ lộc cho người dâng cúng, thỏa lòng mong mỏi của người dâng cúng.

Nếu như Bà không thiếu áo mới để mặc, thì tại sao lại có phong tục dâng áo cho Bà? Câu trả lời lại quay ngược về thời điểm 200 năm trước, bọn quấy nhiễu vùng biên giới gặp tượng Bà gần đỉnh núi Sam. Chúng nổi lòng tham, tìm cách đem đi, nhưng chỉ xê dịch được một đoạn. Dân làng huy động hàng trăm người lực lưỡng, với tấm lòng tín ngưỡng, mong đưa Bà xuống núi để phụng thờ. Chỉ khi Bà đạp đồng, dặn 9 cô gái đồng trinh đưa xuống thì quá trình này mới suôn sẻ. Ngoài việc lập miếu thờ, dân làng nhanh chóng may áo khoác lên tượng bà, bắt đầu hành trình sinh hoạt văn hóa dân gian quan trọng.

Vậy nên, trước cao điểm Vía Bà Chúa Xứ hàng năm, sáng sớm rằm tháng 4 âm lịch, không cần Ban Quản trị Lăng miếu Núi Sam phát thông báo hay ai nhắc nhở, hàng trăm phụ nữ khắp nơi tề tựu về khuôn viên miếu Bà ở Núi Sam (TP. Châu Đốc). Áo này là áo mặc bên trong, khổ 8m, chỉ có cổ áo, tay áo, cột dây, hoàn toàn không dùng nút. Tùy theo lòng thành, mọi người mua vải đem đến may, nhưng thường là vải gấm cao cấp, hoặc phi bóng mềm mại. Nguyên tắc cơ bản là vải màu sáng, sặc sỡ (đỏ, xanh, vàng, hồng…), tránh màu đen, trắng, cau khô. Cứ mỗi 2 tuần, Bà được thay 4 chiếc áo, tức là cần 96 chiếc áo cho cả năm (năm nhuần thì 104 chiếc).

Để có được cả trăm chiếc áo này, trong “Ngày hội may áo”, từng phụ nữ tranh thủ may luôn tay từ sáng sớm đến khuya, chỉ “giải lao” ít phút, ăn uống buổi trưa. Đặc biệt, từng đường kim mũi chỉ đều được may bằng tay, không sử dụng máy móc. Người xưa kể lại, khi máy may phổ biến, mọi người nảy ra sáng kiến may toàn bộ áo bằng máy, vừa nhanh, vừa đẹp. Tuy nhiên, khi xin keo khấn vái Bà, câu trả lời là “không”. Vì vậy, những chiếc áo dâng Bà vẫn tiếp tục được may thủ công suốt mấy mươi năm nay.

“Tôi sống cạnh Bà từ nhỏ đến lớn, nhưng bận đi làm ăn xa, ít có dịp tham gia Vía Bà. Năm nào cũng vậy, tôi chỉ có thể xem quang cảnh may áo, rước tượng Bà… trên mạng xã hội, trên báo chí. Năm nay, tôi có thời gian tham gia may áo Bà, cảm giác rất háo hức, vui sướng. Cái nào không biết làm thì hỏi mấy chị, được chỉ dẫn cặn kẽ lắm” - bà Cao Thị Khéo (54 tuổi) cho biết. Bà Huỳnh Thị Hưởng (42 tuổi) thì có kinh nghiệm may áo Bà 6 - 7 năm nay. Đúng ngày hẹn, bà cùng mấy chị em trong nhà đi mua vải, ghé miếu Bà khi mặt trời chưa lên, cặm cụi may liên tục 3 chiếc áo. Khi xong xuôi, cũng là lúc trăng lên cao… “Chúng tôi cầu mong sức khỏe, mỗi năm chỉ có 1 ngày được “trả lễ” cho Bà, nên chắc chắn sẽ duy trì hoạt động này cho đến khi không thể nữa. Năm sau, lượng người tham gia nhiều hơn năm trước. Ai có việc cứ về sớm, bàn giao lại cho người khác phụ tiếp, không câu nệ phải hoàn thành mới được rời đi” - bà Hưởng chia sẻ.

Đằng sau hoạt động may áo Bà là ý nghĩa sâu sắc của quá trình sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa cộng đồng, được truyền từ đời này sang đời khác. Như câu chuyện của bà Quách Minh Hương (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp). Hơn 90 tuổi, hơn 50 năm bà lặn lội về TP. Châu Đốc may áo Bà, chỉ gián đoạn mấy năm dịch bệnh COVID-19. “Có con thì dắt con theo, đến lúc có cháu lại dắt cháu theo, cả gia đình cùng đến miếu Bà. Giờ, mắt mờ, tay run, tôi may không tốt như lúc trẻ, khỏe. Nhưng bù lại, con, cháu “kế nghiệp” giỏi lắm” - bà vui vẻ kể. Rất nhiều thế hệ phụ nữ nối tiếp truyền thống dân gian như gia đình bà Hương, thế hệ sau tấn lên thay thế người trước, nối dài phong tục, tín ngưỡng một cách vẹn nguyên.

Việc may áo cho Bà chỉ được thực hiện bởi bàn tay phụ nữ khéo léo, lành nghề. Nhưng điều đó không có nghĩa phó thác toàn bộ cho phụ nữ. Cánh đàn ông có lòng hỗ trợ thì đảm nhận việc nấu cơm chay, nước uống, mấy chuyện lặt vặt vòng ngoài. Tất cả đan xen, hoàn thiện bức tranh sống động về cộng đồng thu nhỏ trong khuôn viên miếu Bà, nơi mọi người gắn bó với nhau bằng niềm tin tương lai tốt đẹp, bằng sự mến khách, bằng tấm lòng cho đi không so đo thiệt hơn!

 GIA KHÁNH