Chiến dịch nước rút gia hạn thẻ bảo hiểm y tế

11/11/2024 - 09:40

 - Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu theo nghị quyết của HĐND, UBND tỉnh giao năm 2024, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đang ráo riết tổ chức chiến dịch nước rút ra quân gia hạn, cấp mới thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và tuyên truyền vận động đóng tiếp BHXH tự nguyện.

Giám đốc BHXH An Giang Đặng Hồng Tuấn cho biết, chiến dịch nhằm nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu năm 2024; kịp thời đưa thẻ BHYT đến với người dân hết hạn thẻ và đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ; tuyên truyền, vận động người dân đóng tiếp BHXH tự nguyện để về già có lương hưu, thẻ BHYT. Đối với nhóm đồng bào DTTS, ngoài nguồn ngân sách hỗ trợ 70% mức đóng BHYT, BHXH tỉnh sẽ hỗ trợ và kêu gọi hỗ trợ.

“Giá trị thẻ BHYT 3 tháng là 315.900 đồng (ngân sách đã hỗ trợ 221.130 đồng); còn lại 94.770 đồng. Cơ quan BHXH hỗ trợ 60.000 đồng; người dân đóng 20.000 đồng; UBND hoặc nhà hảo tâm đóng 14.770 đồng. Với mong muốn mỗi đồng bào DTTS có thẻ BHYT, bên cạnh nỗ lực vào cuộc của ngành BHXH, chúng tôi kêu gọi UBND các cấp, tổ chức, cá nhân, nhà tài trợ chung tay hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm yếu thế có cơ hội được tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT” - ông Đặng Hồng Tuấn bày tỏ.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện còn 14.709 đồng bào DTTS (Chăm, Khmer, Hoa…) đang sinh sống tại 21 xã, thị trấn thuộc 5 địa phương (huyện An Phú, Tri Tôn, Châu Thành, Thoại Sơn và TX. Tịnh Biên) chưa được gia hạn thẻ hoặc thẻ BHYT, sẽ hết hạn trước ngày 31/12/2024. Tổng số tiền mua thẻ 3 tháng của họ trên 4,6 tỷ đồng. Ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 3,2 tỷ đồng, còn lại người dân đóng gần 1,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự kiến cơ quan BHXH hỗ trợ 882 triệu đồng (thông qua hội nghị khách hàng, quỹ thiện nguyện), địa phương hỗ trợ đối ứng hơn 217 triệu đồng. Như vậy, người dân chỉ đóng gần 300 triệu đồng.

Người dân hiểu rõ lợi ích, tích cực tham gia BHYT

Để chiến dịch được triển khai hiệu quả nhất, BHXH thành lập 3 tổ công tác (gồm các thành viên trong Ban Giám đốc BHXH tỉnh), đi cơ sở đến 11 huyện, thị xã, thành phố để đôn đốc, giám sát trực tiếp. Cụ thể, ông Đặng Hồng Tuấn phụ trách TP. Châu Đốc, TX. Tịnh Biên, huyện Tri Tôn và huyện Châu Phú; ông Lê Chí Thành (Phó Giám đốc) phụ trách TX. Tân Châu, huyện An Phú, Phú Tân, Châu Thành; ông Văng Anh Trung (Phó Giám đốc) phụ trách TP. Long Xuyên, huyện Thoại Sơn và Chợ Mới.

Ban Giám đốc BHXH cấp huyện trực tiếp làm việc với UBND cấp xã (ban chỉ đạo cấp xã) có nhiều người chưa tham gia BHYT, thẻ BHYT đã hết hạn, ngừng đóng BHXH tự nguyện; khóm, ấp có nhiều đồng bào DTTS (được hỗ trợ 70% mức đóng) để vận động tiếp tục tham gia BHXH, BHYT. Đồng thời, phối hợp tổ chức dịch vụ, ban chỉ đạo cấp xã, hội đoàn thể, quỹ tín dụng, hợp tác xã… tổ chức hội nghị truyền thông khách hàng phát triển người tham gia BHXH, BHYT; tập trung tại các địa phương có đông đồng bào DTTS được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP. Cao điểm thực hiện chiến dịch được thực hiện từ nay đến ngày 30/11/2024. Địa điểm tổ chức tại xã, thị trấn, khóm, ấp, khu dân cư trên toàn địa bàn.

Hưởng ứng chiến dịch, từ ngày 14 đến 18/10/2024, BHXH huyện An Phú phối hợp UBND xã Khánh Bình, Quốc Thái tổ chức Hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT tại vùng có nhiều đồng bào DTTS sinh sống. Kết quả, 142 đồng bào DTTS đăng ký gia hạn BHYT. Phó Giám đốc BHXH huyện An Phú Nguyễn Thanh Tâm cho biết: "Thống kê đến tháng 10/2024, xã Khánh Bình và Quốc Thái có 100% đồng bào DTTS sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn được cấp thẻ BHYT theo quy định. Gần 700 người được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP đã tham gia tiếp tục, còn 981 người cần vận động thêm. BHXH huyện phối hợp UBND xã, tổ chức dịch thu BHXH, BHYT tổ chức tuyên truyền, đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT".

Tương tự, BHXH TX. Tịnh Biên phối hợp UBND xã Vĩnh Trung tổ chức Hội nghị tuyên truyền chính sách BHYT cho đồng bào DTTS Khmer. Hiện, địa phương đã có 93.664 người tham gia BHYT, đạt độ bao phủ 86,4% dân số. Tuy nhiên, vẫn cần phát triển thêm 8.200 người để hoàn thành chỉ tiêu năm 2024. Trong đó, khoảng 5.500 người DTTS (được hưởng chính sách hỗ trợ) chưa tham gia lại BHYT, nên việc tổ chức tuyên truyền là cần thiết. BHXH thị xã tiếp tục phối hợp ban chỉ đạo cấp xã, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS về quyền lợi khi tham gia BHYT.

Năm 2024, An Giang đặt mục tiêu phấn đấu 127.600 người tham gia BHXH bắt buộc; 22.547 người tham gia BHXH tự nguyện; 1.775.033 người tham gia BHYT, chiếm 93% dân số. Toàn hệ thống BHXH tỉnh đang “tăng tốc”, đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu

 

HẠNH CHÂU