Hội nghị tại điểm cầu tỉnh An Giang
Đánh giá tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, nông nghiệp là nền tảng vững chắc, trụ cột của nền kinh tế. Những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, nhất là ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn, như: Trí tuệ nhân tạo (AI), quản trị dữ liệu, IoT, tự động hóa... vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Các đại biểu, chuyên gia cũng đánh giá thực trạng, các điểm nghẽn về tình hình số hóa, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thực tiễn và đề xuất giải pháp về số hóa nông nghiệp, chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Trong đó, tập trung phát triển nông nghiệp thông minh, làng nghề số, sử dụng hiệu quả dữ liệu dân cư, nền tảng số nông nghiệp, các kênh thương mại điện tử nông sản, đưa thị trường đến tận ao cá, vườn cây, thửa ruộng...
Qua thúc đẩy chuyển đổi số, gia tăng tỷ lệ người nông dân có khả năng truy cập khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc, giảm sự phụ thuộc vào các khâu trung gian từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng.
Đồng thời, khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp, người dân tham gia các hoạt động trong nông nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ số (IoT, AI, máy bay không người lái...) vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp; quản lý, truy xuất nguồn gốc nông sản; hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm tăng năng suất lao động, giảm chi phí đầu vào, cải thiện chất lượng sản phẩm và giảm rủi ro trong sản xuất.
Tại An Giang, năm 2024, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp VNPT An Giang triển khai áp dụng các giải pháp chuyển đổi số, trong đó tập trung vào xây dựng Cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp và đấy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử và thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản.
An Giang dự kiến đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) ngành nông nghiệp, thực hiện phân tích dữ liệu hệ thống, phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành; tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, khai thác có hiệu quả. Sở NN&PTNT phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, VNPT An Giang đề xuất triển khai dự án “Xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu về sinh vật gây hại cây trồng”; triển khai nền tảng giám định sinh vật gây hại cho cây trồng trên địa bàn An Giang, chia sẻ kinh nghiệm để nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.
Bên cạnh đó, phối hợp triển khai tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp của hộ nông dân, cơ sở sản xuất lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn...
NGÔ CHUẨN