"Chống nóng" cho rau màu

13/05/2024 - 03:23

 - Những ngày qua, nắng nóng gay gắt ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong việc canh tác rau màu. Để đảm bảo năng suất, sản lượng cung ứng ra thị trường, nông dân triển khai nhiều giải pháp nhằm “chống nóng” cho rau màu.

Nắng nóng khiến nhiều diện tích rau màu trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, thiệt hại, làm nông dân giảm thu nhập. Có mặt tại “vựa rau” Bình Thủy (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), mới 7 giờ sáng mà trời đã nắng chói chang. Không khí oi bức bao trùm lên cánh đồng, ruộng rau màu của bà con nơi đây.

Theo nhiều hộ nông dân, họ phải tranh thủ ra đồng từ sáng sớm và chiều tối để tưới nước cho rau. Ông Nguyễn Quốc Khanh (nông dân ấp Bình Phú) cho biết, canh tác rau màu trong thời điểm nắng nóng thường khó khăn, nông dân phải chăm chút cẩn thận hơn. Đất được làm kỹ hơn, giúp cây trồng hạn chế mầm bệnh. Ngoài ra, nguồn nước tưới được chuẩn bị đầy đủ phục vụ canh tác mùa khô.

Chủ động phòng ngừa nắng nóng trên rau màu

Mặc dù đã tiên liệu ảnh hưởng của thời tiết, nhưng quá trình canh tác vẫn gặp một số khó khăn. Theo ông Khanh, các loại rau, cải trồng trong mùa này thường yếu, sinh trưởng chậm. Bên cạnh đó, 30% cây bị chết trong giai đoạn 10 ngày sau sạ. Từ đó, chi phí sản xuất cũng tăng cao hơn so các vụ trước.

Tình hình nắng nóng kéo dài khiến cho việc chăm sóc rau màu gặp nhiều khó khăn. “Chúng tôi phải tranh thủ tưới nước với tần suất cao hơn ngày thường. Nếu trước đây, bình quân mỗi ngày chỉ tưới 2 lần, vào lúc sáng và buổi chiều, hiện nay phải tưới thêm cữ trưa”- ông Khanh chia sẻ.

Đồng tình với ông Khanh, ông Nguyễn Văn Hai (ngụ cùng ấp Bình Phú) cho biết thêm, nhiệt độ cao dẫn đến tình trạng thiếu nước, cỏ dại phát triển mạnh và các loại sâu bệnh, dịch hại có chiều hướng gia tăng. Do đó, nông dân cần áp dụng tốt biện pháp phòng trừ tổng hợp, ưu tiên lựa chọn giống trồng cây khỏe mạnh. Đồng thời, áp dụng các biện pháp cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản...

Cũng theo ông Hai, canh tác mùa khô gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi nông dân phải bỏ nhiều chi phí sản xuất, tốn nhiều công chăm sóc hơn so với các vụ khác trong năm. Thay vì phải đôn liếp lên cao vào mùa mưa để tránh ngập úng, thì mùa này phải hạ thấp để giữ nước được lâu. Cùng với đó, chất lượng mặt hàng nông sản không cao. Bù lại, mùa này rau màu hút hàng, bán được giá cao, đầu ra ổn định nên ai cũng vui vẻ ra rẫy làm việc.

Gặp khó khăn do thời tiết, nhưng nông sản được giá

Tại xã Hòa Bình (huyện Chợ Mới), nông dân cũng tất bật chăm sóc vườn rau gia đình. Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Văn Hải cho biết, thiếu hoặc thừa nước đều ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của chúng. Để tăng khả năng chịu hạn cho cây trồng, ông Hải thường làm đất kỹ, bón thêm phân hữu cơ, tưới thấm theo rãnh và theo nhu cầu từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Nhờ vậy, ngoài tiết kiệm nước tưới, còn tạo điều kiện cho cây trồng phát triển, hạn chế bệnh thối thân, lở cổ rễ…

Theo ngành chức năng, khi trời nắng gắt vài ngày, các loại rau ăn lá, rau gia vị thường bị táp, héo lá. Để chống nắng cho rau, nhất là rau ăn lá, người trồng cần tưới ngoài ruộng lúc sáng sớm và chiều muộn, đồng thời tỉa bớt cây héo.

Đối với diện tích rau chết, cần khẩn trương chuyển đổi sang cây trồng khác chịu hạn tốt hơn. Đối với một số diện tích đặc thù, không thể chuyển đổi cơ cấu giống thì cần đầu tư phương tiện chống nắng, như phủ rạ mặt ruộng, làm giàn che lưới, thường xuyên duy trì nước trong rãnh giữa các luống để làm mát.

Sản xuất rau màu trong mùa nắng nóng, nông dân cần thăm đồng thường xuyên, cập nhật thông tin dự báo thời tiết, dự báo sâu bệnh hoặc dự báo của địa phương. Đặc biệt, theo dõi nhiệt độ biến động vào những ngày nắng nóng, từ đó có biện pháp quản lý, chăm sóc cây rau màu đạt năng suất cao.

MINH ĐỨC