Chú trọng phát triển kinh tế tập thể miền núi

14/05/2024 - 06:21

 - Các loại hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện miền núi Tri Tôn (tỉnh An Giang) hiện phát triển rộng khắp. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo tại địa phương. Hiện nay, chính quyền địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp, phát huy hơn nữa vai trò kinh tế tập thể.

Các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Tri Tôn đã phát huy hiệu quả

Tri Tôn là huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp. Vì thế, việc đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác, HTX đóng vai trò quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiện, địa phương  có 23 HTX với 528 thành viên (trong đó, 19 HTX đang hoạt động, 4 HTX dừng hoạt động). Doanh thu bình quân mỗi HTX ước đạt 3 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của lao động 45 - 50 triệu đồng/năm…

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí, nhìn chung HTX nông nghiệp hoạt động dựa trên tổ chức sản xuất, liên kết doanh nghiệp (DN) theo quan hệ hợp tác được xác lập từ trước. Thành phần lãnh đạo chủ yếu là nông dân hoặc nhân viên của công ty, DN thực hiện liên kết đưa qua. Vì vậy, quá trình tổ chức hoạt động chưa đầy đủ, đảm bảo đúng hồ sơ, thủ tục quy định.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện hiện có Liên hiệp HTX Tri Tôn hoạt động, với 12 HTX thành viên, vốn điều lệ 600 triệu đồng, gồm 10 lĩnh vực, diện tích liên kết trên 15.772ha. Theo đánh giá của UBND huyện Tri Tôn, đây là cầu nối giữa các HTX thành viên với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, góp phần phát triển kinh tế tập thể tại địa phương, đảm bảo tính cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 48 tổ hợp tác (THT), 599 thành viên. Doanh thu bình quân của mỗi THT ước đạt 500 triệu đồng/năm, lợi nhuận đạt khoảng 150 triệu đồng/năm. Hiện nay, THT ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm… Có thể thấy, các loại hình kinh tế trên địa bàn huyện phát huy vai trò tập hợp nông dân cùng nhau phát triển kinh tế.

Năm 2024, UBND huyện Tri Tôn đề ra mục tiêu củng cố, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, cải thiện đời sống, vật chất tinh thần của thành viên.

Bên cạnh đó, phát triển HTX bền vững gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tập trung phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của HTX; gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nhằm tạo ra giá trị sản xuất hàng hóa đảm bảo phát triển bền vững.

UBND huyện Tri Tôn còn hướng đến mục tiêu phát triển HTX theo mô hình kinh doanh đa dịch vụ, đa ngành nghề; hướng dẫn, hỗ trợ kinh tế hộ phát triển ngành nghề, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, thúc đẩy và tạo điều kiện để loại hình kinh tế tập thể này phát triển sản phẩm chủ lực của huyện, liên kết hình thành chuỗi giá trị với công ty, DN.

Mặt khác, củng cố nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX; xây dựng và phát triển các loại hình kinh tế tập thể gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác của huyện… Phấn đấu trong năm 2024, huyện thành lập mới 3 HTX; củng cố 2 HTX đang hoạt động yếu, kém và ngưng hoạt động. Phấn đấu trên 80% cán bộ quản lý được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ. Từ đó, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển của HTX, liên kết với DN xây dựng mô hình “Cánh đồng lớn”.

Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, thời gian tới, UBND huyện Tri Tôn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Từ đó, nâng cao nhận thức về kinh tế hợp tác, HTX trong nông nghiệp nông thôn. Tiếp tục vận động hình thành HTX từ mô hình sản xuất, mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm và các THT đang sản xuất hiệu quả.

Bên cạnh đó, duy trì, củng cố và nâng cao năng lực hoạt động của khu vực kinh tế hợp tác, HTX. Tập trung thành lập mới HTX theo mô hình sản xuất - kinh doanh phù hợp với từng lĩnh vực, gắn kết DN tiêu thụ. Khuyến khích, tạo điều kiện cho HTX mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Kiên quyết giải thể HTX hình thức hoặc hình thành nhưng không hoạt động.

Ngoài ra, huyện Tri Tôn sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể của Trung ương và của tỉnh. Điển hình như: Cơ chế, chính sách; tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hỗ trợ về đất đai; xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo lập thị trường và mô hình điểm…

ĐỨC TOÀN