Chuẩn bị điều kiện phục hồi sản xuất nông nghiệp

23/09/2021 - 07:27

 - Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nông nghiệp càng chứng tỏ vai trò trụ cột, bệ đỡ của nền kinh tế. Thực hiện tốt giải pháp phục hồi sản xuất nông nghiệp tạo động lực thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển.

Khắc phục khó khăn

Nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long, được cung cấp nước ngọt phong phú từ sông Tiền, sông Hậu, điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng thuận lợi, ít chịu tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, An Giang có lợi thế lớn để phát triển nông nghiệp. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, những năm qua, cơ cấu nông nghiệp của An Giang chuyển dịch theo hướng tích cực; tốc độ tăng trưởng được duy trì; giá trị sản xuất tăng dần qua từng năm; nhiều mặt hàng nông, thủy sản phát triển mạnh; 2 sản phẩm chủ lực (lúa và cá tra) có thời điểm đứng đầu cả nước về năng suất và sản lượng.

Tuy nhiên, xét về vị trí địa lý, An Giang bất lợi hơn khi nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, hạ tầng giao thông chưa tốt khiến chi phí logistics cao hơn so với các địa phương trong vùng. Đây là nguyên nhân tỉnh chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư và phát triển lĩnh vực chế biến. Do vậy, phần lớn nông sản vẫn phát triển và tiêu thụ ở dạng thô, chưa nâng cao được giá trị của nông sản. Mặc dù có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhưng trình tự, thủ tục còn tốn nhiều thời gian, thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể, việc tiếp cận chính sách còn nhiều hạn chế, đặc biệt là nguồn tín dụng và quỹ đất.

Doanh nghiệp phải giảm số lao động và công suất để duy trì sản xuất “3 tại chỗ”

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, vấn đề ách tắc lưu thông giữa các địa phương còn xảy ra, khâu lưu thông vận chuyển và sản xuất đều bị ảnh hưởng. Nhiều DN của tỉnh gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nguyên liệu sản xuất; giãn cách xã hội lâu, kiểm soát chặt làm cho người dân, DN gặp khó khăn trong thu hoạch, vận chuyển. Nhiều DN sản xuất cần nhập nguyên vật liệu từ tỉnh Bình Dương, Long An, TP. Hồ Chí Minh… nhưng do mỗi tỉnh áp dụng quy định kiểm soát khác nhau, làm ách tắc, khó khăn trong khâu vận chuyển, đội chi phí sản xuất. Nhiều thương lái khi muốn thu mua nông sản, một số địa phương không đồng ý xác nhận “lý do chính đáng ra đường”, bị chốt kiểm soát liên xã, liên huyện ngăn lại.

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, lưu thông nông sản, UBND tỉnh phối hợp Bộ Tư lệnh Quân khu 9, các địa phương lân cận tìm giải pháp tiêu thụ lúa, nếp. Đồng thời, mời gọi một số DN, như: Lộc Trời, Tân Long, Tấn Vương, Angimex... tăng cường thu mua lúa, nếp, giúp nông dân tiêu thụ hết lượng lúa, nếp thu hoạch. Tuy nhiên, do khó khăn trong sản xuất, gánh nặng chi phí, bất cập khi sản xuất “3 tại chỗ”, nhiều DN ngưng hoạt động. DN sản xuất “3 tại chỗ” thì giảm lượng lao động, công suất, ảnh hưởng đến tiến độ thu mua nguyên liệu đầu vào.

Tìm giải pháp ổn định

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, An Giang luôn xác định chuyển đổi mô hình tăng trưởng là mục tiêu hàng đầu để phát triển nông nghiệp. Tỉnh đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích. Đồng thời, khuyến khích và mời gọi DN tăng cường đầu tư lĩnh vực chế biến tại tỉnh để giải quyết đầu ra, nâng cao giá trị nông sản, thu nhập của nông dân. An Giang còn tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0, đẩy mạnh chuyển đổi số vào sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu thực tế sản xuất trong tình hình mới. Tỉnh tập trung giải pháp tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ, từng bước hình thành và duy trì liên kết sản xuất một cách bền vững. Bên cạnh đó, tăng cường liên kết vùng mạnh mẽ; chú trọng hợp tác, liên kết với các địa phương trong vùng.

Về giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách xã hội, tỉnh sẽ thường xuyên thông tin kịp thời về tình hình sản xuất, lưu thông nông sản tại địa phương, để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường tiêu thụ. Đồng thời, nhanh chóng triển khai áp dụng chính sách khuyến khích đầu tư, xây dựng cơ sở bảo quản lạnh; hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp và sử dụng hiệu quả cơ sở bảo quản lạnh trên địa bàn An Giang để sử dụng khi nông sản tiêu thụ khó khăn. Tỉnh xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Trong đó, chú trọng đầu tư, nâng cấp giao thông nội đồng, cơ sở hạ tầng đồng ruộng, hệ thống điện… để từng bước hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu cho các loại máy móc hoạt động và vận chuyển thuận tiện, tạo điều kiện cho DN vào đầu tư.

Về lâu dài, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, thu hút đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ phục vụ công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cũng như năng lực ngoại ngữ để làm việc với DN, đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, hoàn thiện và thực hiện tốt các chính sách về đầu tư và thu hút vốn trong nông nghiệp, đặc biệt chú trọng đến yếu tố, như: triển khai nhanh chóng văn bản pháp luật đến nhà đầu tư, có chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, thủ tục hành chính đơn giản và nhanh chóng, chính quyền hỗ trợ nhiệt tình, chu đáo khi DN cần…

Sở NN&PTNT đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch khôi phục sản xuất ngành nông nghiệp và thống nhất hướng dẫn tham gia lưu thông, tiêu thụ nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang. Qua đó, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo phục hồi kinh tế ở địa phương theo các kịch bản và diễn biến của dịch bệnh COVID-19.

NGÔ CHUẨN