Chuẩn bị tốt cho vụ hè thu 2020

13/03/2020 - 04:50

 - Cùng với khả năng tiêu thụ tốt lúa hàng hóa, dự báo giá lúa vụ hè thu 2020 sẽ tăng theo nhu cầu thế giới và trong nước. Do vậy, nông dân cần tuân thủ lịch thời vụ và khuyến cáo bảo vệ sản xuất, nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng lúa để có một vụ mùa thắng lợi.

Dự báo thị trường tốt

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, dự kiến đến cuối tháng 4-2020, toàn tỉnh sẽ thu hoạch dứt điểm 229.392ha lúa đông xuân 2019-2020. Đối với vụ hè thu 2020, do xuống giống vào giữa tháng 3 nên sẽ thu hoạch vào giữa tháng 6. Thời điểm này không trùng vào dịp nghỉ lễ nên các doanh nghiệp (DN) sẽ thu mua mạnh vào chính vụ.

Theo thống kê, 17 DN trong tỉnh có sức chứa 439.800 tấn lúa và 484.200 tấn gạo; công suất xay xát 503 tấn lúa/giờ và công suất xát trắng đạt 580 tấn gạo/ngày. Đối với 16 DN ngoài tỉnh, có 20 nhà máy và kho chứa trên địa bàn An Giang, có sức chứa 138.125 tấn lúa và 198.024 tấn gạo; công suất xay xát 261 tấn lúa/giờ và công suất xát trắng đạt 342 tấn gạo/ngày. Ngoài 20.000ha thực hiện liên kết thì diện tích còn lại dự kiến sẽ được thu mua hết.

Theo ông Lâm, dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng do nhu cầu lương thực tăng, giá lúa đông xuân hiện vẫn cao. Đến giữa tháng 6-2020, nếu dịch bệnh Covid-19 được khống chế, cùng với dịch châu chấu gây hại nghiêm trọng tại các nước: Iran, Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc, giá lúa vụ hè thu sẽ còn tăng cao so với hiện tại.

Sở NN&PTNT khuyến cáo khung lịch thời vụ xuống giống vụ hè thu trong toàn tỉnh từ ngày 10-3 đến 20-5-2020 (nhằm 17-2 đến 28-4 âm lịch). Cụ thể, lịch xuống giống né khô hạn chia làm 3 đợt. Trong đó, đợt 1 xuống giống từ ngày 10 đến 31-3, tập trung ở những vùng thu hoạch lúa đông xuân sớm (các tiểu vùng sản xuất 2 vụ) với diện tích khoảng 58.000ha.

Việc xuống giống vừa phải trong giai đoạn này nhằm phân bổ nguồn nước giữa các vùng trong tỉnh và chia sẻ nguồn nước với các tỉnh hạ nguồn. Đợt 2, xuống giống đại trà từ ngày 1-4 đến 30-4 đối với các vùng sản xuất 3 vụ/năm (diện tích khoảng 150.000ha). Đợt 3, từ ngày 1-5 đến 20-5, xuống giống tại các tiểu vùng nằm trong kế hoạch xả lũ vụ thu đông 2020 và một số vùng thu hoạch vụ đông xuân 2019-2020 muộn, diện tích khoảng 27.000ha.

Đối với lịch xuống giống đồng loạt, tập trung và né rầy, chia làm 2 đợt. Đợt 1 xuống giống từ ngày 18 đến 28-3, tập trung ở những vùng thu hoạch đông xuân sớm (khoảng 60.000ha) của các huyện: Tri Tôn, An Phú, Tịnh Biên, Châu Phú và TP. Long Xuyên. Đợt 2 tập trung từ ngày 15-4 đến 21-4, xuống giống dứt điểm ở những vùng thu hoạch đông xuân đại trà và muộn, gồm các huyện: Phú Tân, Châu Thành, Thoại Sơn (khoảng 60.000ha).

“Tùy theo tình hình rầy nâu vào bẫy đèn ở từng địa phương mà có lịch xuống giống cụ thể, nhưng phải tuân thủ lịch xuống giống đồng loạt, tập trung, né rầy và theo khung lịch thời vụ chung của tỉnh. Thời gian xuống giống trên cùng 1 tiểu vùng không quá 7 ngày và không để nhiều trà lúa đan xen nhau” - ông Lâm lưu ý.

Chuẩn bị tốt cho vụ hè thu 2020

Lúa đông xuân 2019-2020 đang có giá tốt, dự báo vụ hè thu 2020 sẽ còn tăng

Tập trung bảo vệ

Trên cơ sở thực tiễn sản xuất và khả năng tiêu thụ thị trường lúa gạo năm 2020, Sở NN&PTNT đề xuất các nhóm giống chủ lực cho sản xuất vụ hè thu gồm: nhóm giống cao sản chất lượng cao (OM4900, OM9582, OM6976, OM5451, LT1, LT18...), giống bổ sung (IR50404, OM18...). Đối với nhóm giống lúa thơm và nếp như: Đài Thơm 8, Jasmine 85, Nàng Hoa 9, nếp AG (CK92), nếp CK2003… khuyến khích trồng khi có hợp đồng tiêu thụ.

Nhóm giống lúa triển vọng có thể thay thế các giống lúa không còn phù hợp trong sản xuất tại địa phương, được đề xuất gồm: Lộc Trời 7, OM9577… Đối với nhóm giống lúa Japonica (Hana, Kinu, Akita, Koshihikari, ĐS1…), đề nghị không sản xuất tràn lan khi không có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, sản xuất phải kết hợp DN tiêu thụ và phù hợp với quy hoạch của từng địa phương.

Bên cạnh tuân thủ khung thời vụ sản xuất, Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn và xâm nhập mặn, kịp thời ứng phó khi có hạn, mặn, thiếu nước xảy ra. Đồng thời, chủ động phối hợp các sở, ngành mời gọi, tạo điều kiện cho các DN có năng lực, uy tín tiếp cận vùng sản xuất tập trung, gắn bó lâu dài với vùng nguyên liệu; hỗ trợ DN lập dự án hoặc kế hoạch liên kết sản xuất để hưởng các chính sách hiện hành.

Dù đã khuyến cáo xuống giống tập trung, né rầy nhưng do nhiều nguyên nhân, diện tích xuống giống hè thu ngoài lịch né rầy còn rất cao (khoảng 115.000ha). Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm đề nghị tập trung quản lý dịch hại, bảo vệ sản xuất bằng những biện pháp kỹ thuật như: quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “3 giảm, 3 tăng”,  “1 phải, 5 giảm” (chú ý lượng giống gieo sạ từ 80-100kg/ha), áp dụng giải pháp tưới nước tiết kiệm, ứng dụng công nghệ sinh thái - trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc “4 đúng”...

NGÔ CHUẨN

Dự kiến, kế hoạch xuống giống vụ hè thu 2020 ở các địa phương như sau: TP. Long Xuyên 5.017ha, TP. Châu Đốc 6.811ha, TX. Tân Châu 10.858ha, các huyện An Phú 15.596ha, Phú Tân 23.855ha, Châu Phú 31.807ha, Tịnh Biên 16.861ha, Tri Tôn 44.523ha, Châu Thành 28.747ha, Chợ Mới 12.379ha và Thoại Sơn 38.510ha. Với tổng diện tích sản xuất 234.964ha, dự kiến năng suất 5,79 tấn/ha, sản lượng lúa vụ hè thu trên địa bàn An Giang có thể đạt hơn 1,36 triệu tấn.