Chuỗi hoạt động 'Muôn nẻo đường tơ' tôn vinh giá trị truyền thống tơ lụa Việt

15/11/2022 - 07:18

Theo Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội, chuỗi hoạt động văn hóa tại Phố cổ Hà Nội với chủ đề “Muôn nẻo đường tơ” chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 18/11-31/12.

Các bộ sưu tập trang phục từ tơ tằm và lụa của các làng nghề Việt Nam sẽ được trình diễn kết hợp với âm nhạc dân gian truyền thống và đương đại. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Điểm nhấn chính là các hoạt động giới thiệu nét văn hóa nghề truyền thống tơ lụa, các sản phẩm tơ lụa, các chương trình nghệ thuật liên quan đến tơ lụa. Đây là nghề và sản phẩm nghề truyền thống gắn bó lâu đời với người dân Việt Nam và đến nay được phát huy, thăng hoa trong đời sống xã hội.

Tại lễ khai mạc, Ban tổ chức sẽ giới thiệu các bộ sưu tập trang phục từ tơ tằm và lụa của các làng nghề Việt Nam kết hợp với biểu diễn âm nhạc dân gian truyền thống và đương đại. Đó là bộ sưu tập "Áo dài ngũ thân truyền thống – đương đại" của nhà thiết kế Năm Tuyền; bộ sưu tập Nhân bản – các sản phẩm bền vững của nhà thiết kế Trịnh Thủy và Khả Hân; bộ sưu tập Lụa ứng dụng của thương hiệu GammeCollective; bộ sưu tập Áo dài lụa của thương hiệu Trịnh Fashion.

Tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (địa chỉ: 50 Đào Duy Từ) sẽ trưng bày giới thiệu nghề ươm tơ, dệt vải truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ; các ứng dụng của tơ trong đời sống đương đại (các sản phẩm thời trang bền vững và các tác phẩm mỹ thuật từ tơ lụa). Tại đây, người dân Thủ đô và du khách có thể tìm hiểu nét văn hóa truyền thống lâu đời của người Việt gắn với con tằm, nong kén và các sản phẩm tơ lụa tạo nên từ sự tài hoa, tinh tế của các nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề dệt lụa. Đồng thời, được trải nghiệm các công đoạn sản xuất và giao lưu cùng các nghệ nhân. Cùng với đó tại đây cũng diễn ra tọa đàm “Nghề dệt lụa Việt Nam gắn với phát triển bền vững” có sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa, các nghệ nhân dệt lụa.

Trong thời gian này, tại các điểm di sản ở Phố cổ Hà Nội cũng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa khác. Cụ thể, tại Ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây) tái hiện không gian Trà Việt và nghệ thuật thư pháp với chủ đề “Thư – Trà kỳ ngộ”. Tại đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc) trưng bày giới thiệu sản phẩm cây thuốc Nam của người Việt. Tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật (22 Hàng Buồm) tổ chức không gian triển lãm “Tiên Rồng”, “Mơ Tiên”, sắp đặt “Diều Tiên”, đèn lồng “Cuộc gặp gỡ xưa – nay”. Tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm (2 Lê Thái Tổ) tổ chức không gian triển lãm “Tả Thanh Thiên” và trải nghiệm công nghệ VR3D. Khu vực vỉa hè phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (đối diện đền thờ Vua Lê) diễn ra triển lãm ảnh “Việt Nam – Quê hương tôi”. Cũng với đó là các hoạt động biểu diễn âm nhạc truyền thống phục vụ công chúng.

Theo Phó Trưởng Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan, khu Phố cổ Hà Nội hay còn gọi là khu “36 phố phường” luôn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long – Hà Nội. Nơi này chứa đụng kho tàng giá trị di sản văn hóa hấp dẫn của làng nghề, phố nghề Kẻ Chợ, góp phần làm nên dấu ấn Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến. Các hoạt động văn hóa “Muôn nẻo đường tơ” là hoạt động chung tay bảo tồn, quảng bá các giá trị di sản, phục vụ cộng đồng gắn với phát huy truyền thống sáng tạo của người Thăng Long – Hà Nội.

Theo TTXVN