Chuyển đổi cây trồng hiệu quả

21/09/2022 - 07:09

Đến nay, diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) phát triển hơn 718ha. Trong đó, diện tích tưới nước tiết kiệm không ngừng tăng (hơn 263ha). Hưởng ứng chủ chương chuyển đổi cây trồng, nhiều mô hình sản xuất mới đã được nông dân áp dụng, khẳng định được hiệu quả, thu nhập khả quan hoặc phù hợp với điều kiện đất nông nghiệp, quy mô sản xuất của nông dân.

Chuyển đổi cây trồng áp dụng đồng bộ với tiến bộ khoa học - kỹ thuật

Là địa phương thuần nông vươn lên xây dựng nông thôn mới, nay là nông thôn mới nâng cao, xã Phú Bình chú trọng phát triển mô hình nông nghiệp để người dân tăng thu nhập. Hơn 2 năm qua, Hội Nông dân xã tạo mọi điều kiện để hội viên tiếp cận với tiến bộ khoa học - kỹ thuật, mô hình phù hợp, nhằm khai thác đất đai có hiệu quả cao.

Trên địa bàn, nhiều hộ đã và đang thành công với mô hình trồng na Thái, chanh không hạt bông tím, sầu riêng, nhãn… Đơn cử như mô hình trồng 1ha nhãn xuồng cơm vàng của ông Nguyễn Văn Nhẹ (ngụ ấp Bình Thành), có đầu ra khá ổn định.

Ông Nhẹ cho biết: “Cây nhãn xuồng cơm vàng có sức đề kháng tốt, ít sâu bệnh, nhẹ công chăm sóc. Đất ở đây nằm trong khu vực vòng O của xã, đã được quy hoạch khép kín nên sản xuất lúa khó khăn. Rất nhiều cây trồng được tôi chọn lựa, kể cả bưởi da xanh, nhãn Ido… Tôi hỏi ý nhiều kỹ sư, được họ hướng dẫn, chỉ ra lợi thế, ưu điểm… Thấy giống nhãn xuồng cơm vàng có giá trị kinh tế cao, tôi quyết định tìm hiểu, học tập kinh nghiệm, mua hơn 650 gốc từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về trồng”.

Khi áp dụng mô hình, ông Nhẹ thiết kế hệ thống tưới tự động để tiết kiệm công sức và nhân công lao động, tổng chi phí đầu tư gần 500 triệu đồng. Trồng khoảng 3 năm, nhãn bắt đầu cho thu hoạch.

Nhờ thổ nhưỡng thích hợp, bạn hàng khen rất ngon, vì cơm dày, khô ráo, vị ngọt thanh, mua tại vườn từ 35.000-40.000 đồng/kg. Vụ đầu tiên, ông Nhẹ thu hoạch hơn 4 tấn, thu nhập 160 triệu đồng. Trao đổi với người trồng giàu kinh nghiệm, ông thêm vững tin để năng suất các vụ kế tiếp tăng dần lên 6 tấn, 8 tấn. Đầu tư cây nhãn nặng chi phí ban đầu, nhưng khai thác liên tục từ 15-17 năm mới thay cây mới.

Cũng là người từng loay hoay với câu chuyện chuyển đổi cây trồng, ông Lê Văn Phường (ngụ xã Phú Xuân) đã “chấm” cây xoài để chuyển đổi kinh tế. Trên 1ha đất trồng lúa chuyển sang xoài cát Hòa Lộc, ông Phường đầu tư khoảng 300 triệu đồng để trồng 1.800 gốc xoài. Nhằm duy trì và phát triển diện tích này, ông phải trải qua nhiều giai đoạn trồng và chăm sóc.

Tận dụng “lấy ngắn nuôi dài”, giai đoạn xoài còn nhỏ, ông Phường trồng xoài xen với cây hạnh, ổi để có thu nhập. Qua 2 năm, xoài lớn dần, cây trồng khác bị đốn bỏ. Vụ thu hoạch trái chiến, vườn xoài đạt khoảng 200kg, được bạn hàng mua với giá 20.000 đồng/kg. Đợt trái tiếp theo, gia đình ông Phường thu hoạch hơn 1 tấn. Qua mỗi vụ, ông tiếp tục chăm sóc, tỉa cành, xử lý kỹ thuật ra hoa theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn.

Học theo các nông dân khác, ông Phường đầu tư hệ thống tưới tự động trên cây xoài, hệ thống tưới hoa xoài để giảm tối đa công chăm sóc vườn. Năm ngoái, giá bán không cao, chỉ huề vốn, nhưng ông không nản. Vừa trồng, vừa học hỏi, tích lũy dần kinh nghiệm, nhận thấy chất lượng trái cây nông dân “đi sau” không thua kém nơi khác. Khó khăn lớn nhất của nông dân là thị trường chưa ổn định. Ở vùng sâu như Phú Xuân, nông dân chuyển dần từ đất vườn tạp, lúa, nếp… sang trồng cây ăn trái, nhưng các mô hình rải rác, chưa đồng nhất và tập trung. Vì vậy, nông dân muốn liên kết tìm thương lái hoặc doanh nghiệp thu mua số lượng lớn, giá cả hợp lý rất khó.

Đây cũng là cái khó chung của huyện trong quá trình chuyển đổi cây trồng. Một số xã được tỉnh, huyện đầu tư vùng trồng cây ăn trái theo quy hoạch tập trung. Đối với cây trồng có số lượng lớn, thế mạnh về tiềm năng và đang cho hiệu quả kinh tế như bưởi da xanh, các địa phương tập hợp nông dân vào câu lạc bộ, chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm tốt hơn. Còn mô hình mới, ở từng địa phương, Hội Nông dân xã nhân rộng số hộ, thành lập tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp và nâng chất dần tổ chức. Theo cách này, hội viên không chỉ “đồng sức” để tìm được đầu ra lý tưởng hơn, mà còn có cơ hội học tập kinh nghiệm, trao đổi kỹ thuật thường xuyên.

Theo Hội Nông dân huyện Phú Tân, những năm qua, nông dân tích cực chuyển đổi cây trồng, phá thế độc canh cây nếp. Quá trình áp dụng mô hình mới, họ còn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để tăng thêm hiệu quả. Hội Nông dân huyện đã và đang tập hợp để phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, như: Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh liên kết doanh nghiệp bao tiêu bưởi da xanh; Chi hội nông dân nghề nghiệp trồng cây ăn trái xã Phú Lâm; Tổ hợp tác sản xuất cây ăn trái ở Chợ Vàm, Bình Thạnh Đông, Hòa Lạc; Tổ hợp tác sản xuất đậu nành rau… đang phát huy vai trò hỗ trợ hội viên tích cực.

MỸ HẠNH