Hướng dẫn chúng tôi thăm vườn sầu riêng đang phát triển, anh Trần Chinh (xã Bình Chánh) cho biết, trước đây, anh cũng như những nông dân khác ở địa phương chỉ trồng độc canh cây lúa. Nhưng nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây lúa không còn cao, anh Chinh muốn chuyển đổi cây trồng để phát triển kinh tế, cuộc sống gia đình ổn định hơn. Qua thời gian tìm hiểu mô hình trồng cây ăn trái ở nhiều nơi, anh Chinh nhận thấy, sầu riêng là cây trồng phù hợp. Vì vậy, năm 2016, anh Chinh quyết định đầu tư, cải tạo 1ha đất lúa kém hiệu quả, lên liếp trồng sầu riêng. Đồng thời, anh áp dụng hệ thống tưới phun tự động cho toàn bộ khu vườn.
Sau 5 năm chăm sóc, vườn sầu riêng của gia đình anh Chinh cho trái vụ đầu tiên, hiệu quả kinh tế mang lại rất phấn khởi. Trên 1ha đất, anh thu hoạch được hơn 20 tấn trái/năm, bán cho thương lái giá 70.000 đồng/kg. Doanh thu đạt khoảng 1,4 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư chuyển đổi từ đất lúa lên đất vườn, cây giống, hệ thống tưới phun tự động, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc suốt thời gian qua, anh Chinh đã lấy lại vốn ngay vụ thu hoạch đầu tiên. “Từ năm thứ 6 trở về sau, chi phí đầu tư vào cây sầu riêng thấp hơn, năng suất trái nhiều hơn, lúc đó tôi càng thu lợi nhuận cao hơn” - anh Chinh chia sẻ.
Nông dân Bình Chánh chăm sóc cây sầu riêng
Theo anh Chinh, hiệu quả kinh tế từ cây sầu riêng nổi bật hơn so với các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, cây sầu riêng đòi hỏi người trồng phải am hiểu việc chuẩn bị đất, làm vườn, nhận biết các loại bệnh và cách chăm sóc. Những tháng mùa mưa, dịch bệnh phát triển nhiều, như: Nứt thân, xì mủ, vàng lá, thối rễ, cháy lá, chết đọt... Do đó, nông dân phải thường xuyên thăm vườn, kịp thời phòng trừ bệnh cho cây mới phát triển tốt và cho năng suất cao. “Sầu riêng rất mẫn cảm với môi trường. Người trồng phải chủ động nguồn nước tốt; biết được ở mỗi giai đoạn phát triển sẽ có 1 loại bệnh và dịch hại tấn công, từ đó có cách phòng trừ hiệu quả” - anh Chinh cho biết thêm.
Nhận thấy mô hình mang lại khả năng làm giàu, nhiều nông dân trên địa bàn xã học hỏi và chuyển đổi từ cây lúa sang trồng sầu riêng, để cùng nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Ông Nguyễn Thanh Nguyên chuyển đổi hơn 2 công đất sang trồng 51 gốc sầu riêng. Đến nay, vườn sầu riêng của gia đình ông hơn 2 năm tuổi, phát triển rất tốt. Do cây sầu riêng trồng đến 5 năm mới có thể thu hoạch trái, nên ông tận dụng đất để trồng thêm 100 gốc mít Thái, “lấy ngắn nuôi dài”, đỡ chi phí chăm sóc tới khi cây sầu riêng cho thu hoạch.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh Phạm Thành Mật cho biết, người dân chủ yếu trồng lúa theo truyền thống, nhưng giá trị sản xuất không cao. Để kinh tế xã phát triển, nâng cao giá trị sản xuất đất nông nghiệp và thu nhập bà con nông dân, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Bình Chánh nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Hiện, toàn xã Bình Chánh quy hoạch vùng cây ăn trái khoảng 150ha. Nông dân chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng được 40ha (32ha trong vùng quy hoạch).
Địa phương vận động thành lập được Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phước Lộc Thạnh, 27 thành viên tham gia, với diện tích khoảng 24ha sầu riêng. Địa phương hỗ trợ kỹ thuật canh tác, từng bước hình thành vùng chuyên canh trồng cây ăn trái gắn với ứng dụng công nghệ cao, thực hiện chuỗi liên kết trong sản xuất, tạo đầu ra sản phẩm ổn định, giúp nông dân trên địa bàn xã an tâm đầu tư phát triển sản xuất, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Bên cạnh đó, UBND xã đề nghị UBND huyện cho chủ trương nạo vét hệ thống thủy lợi kết hợp giao thông nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi để bà con sản xuất cây ăn trái. Hiện nay, nông dân đang gặp khó về nguồn vốn đầu tư ban đầu cải tạo đất chuyển đổi cây trồng, mua cây giống, lắp đặt hệ thống phun tưới tự động… Do đó, UBND xã tiếp tục đề nghị UBND huyện hỗ trợ nông dân xã Bình Chánh tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Có thể thấy, hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng thời gian qua ở xã Bình Chánh đã khẳng định hướng đi đúng đắn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Qua đó, giúp nông dân làm giàu từ sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, góp phần xây dựng địa phương ngày một phát triển.
TRỌNG TÍN