ThS Nguyễn Thị Xoàn (Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang) cho biết, ngành được tổ chức đồng bộ đến cơ sở. Đối với cấp tỉnh, Chi cục CN&TY được giao biên chế 22 công chức, Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông 28 viên chức, Trạm Kiểm dịch động vật cửa khẩu 8 viên chức; 98 viên chức công tác tại 11 trạm CN&TY cấp huyện; 159 nhân viên CN&TY tại 156 xã, phường, thị trấn.
Quy mô chăn nuôi của tỉnh khá lớn. Cuối năm 2022, tổng 73.800 con trâu, bò, 103.600 con heo và khoảng 6,3 triệu con gia cầm. Toàn tỉnh có 1.016 trang trại chăn nuôi, gồm: 5 trang trại chăn nuôi quy mô lớn (4 trại heo quy mô trên 1.500 con/trại; 1 trại gà quy mô 75.000 con); 100 trang trại chăn nuôi quy mô vừa (63 trại bò quy mô trên 30 con/trại, 9 trại heo quy mô trên 150 con/trại, 7 trại gà và 21 trại vịt quy mô trên 6.000 con/trại); 911 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ (600 trại trâu, bò quy mô trên 10 con/trại, 125 trại heo quy mô trên 50 con/trại, 6 trại gà và 180 trại vịt quy mô trên 2.000 con/trại).
Ngoài ra, còn có 45 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; 1.065 nhà dẫn dụ và gây nuôi chim yến; 15 trang trại, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực chăn nuôi; 58 cơ sở kinh doanh trứng gia cầm; 60 cơ sở ấp trứng gia cầm…
Từ trước đến nay, công tác quản lý chăn nuôi tại nông hộ, trang trại… trên địa bàn tỉnh đều do nhân viên CN&TY ghi chép sổ sách, tổng hợp và báo cáo cấp trên. Tuy nhiên, việc quản lý tốn thời gian, công sức của nhân viên; đôi khi gây nhầm lẫn, mất sổ, không chính xác...
Tháo gỡ bất cập này, tháng 9/2020, Chi cục CN&TY phối hợp VNPT An Giang xây dựng, ứng dụng phần mềm quản lý chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Phần mềm là công cụ ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, giúp cập nhật và lưu số liệu nhanh chóng, kịp thời, chính xác trên hệ thống mạng điện tử, thông suốt từ xã đến huyện, đến tỉnh (cccnty-angiang.gov.vn).
ThS Nguyễn Thị Xoàn cho biết, sau khi tập huấn, vận hành thử nghiệm, gần 200 thành viên thuộc hệ thống CN&TY toàn tỉnh được cấp tài khoản, mật khẩu riêng, được phân quyền cho từng nhóm đối tượng (nhóm đối tượng được nhập số liệu, chỉnh sửa; nhóm chỉ được xem thông tin…).
Hệ thống mạng lưới nhân viên chăn nuôi tiến hành nhập tất cả thông tin nông hộ, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhà nuôi chim yến, hộ kinh doanh giống và sản phẩm chăn nuôi, cơ sở ấp trứng gia cầm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm… đưa lên hệ thống website cccnty-angiang.gov.vn. Sau khi nhân viên CN&TY cấp xã cập nhật lên hệ thống, cấp huyện, tỉnh sẽ xem, xuất báo cáo ngay trên hệ thống.
Theo Chi cục CN&TY, việc áp dụng chuyển đổi số trong quản lý chăn nuôi bước đầu đem lại hiệu quả cao, tạo đột phá mới. Phần mềm giúp cập nhật số liệu chính xác, hỗ trợ tốt cho công tác kiểm tra, giám sát, phòng ngừa, khoanh vùng và kiểm soát dịch bệnh thuận lợi hơn. Từ đó, cơ quan quản lý có thể thông tin kịp thời, khuyến cáo địa phương, cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi chủ động phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.
Bên cạnh đó, công nghệ còn giúp dự báo sản lượng, truy xuất nguồn gốc và định hướng thị trường cho từng loại sản phẩm. Đặc biệt, có ý nghĩa trong tình hình bệnh dịch tả heo Châu Phi, dịch cúm gia cầm, bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò… luôn tiềm ẩn nguy cơ khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người chăn nuôi.
Thời gian tới, việc cập nhật đầy đủ thông tin về tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm vào phần mềm sẽ giúp địa phương quản lý tốt công tác chăn nuôi, kịp thời hỗ trợ người dân kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi. Cơ sở dữ liệu chăn nuôi thể hiện đầy đủ trên phần mềm có thể cung cấp thông tin, phục vụ tốt cho cơ quan quản lý, tham mưu đề xuất kế hoạch phát triển chăn nuôi, quản lý dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh dễ dàng, tiện lợi hơn.
“Hàng năm, Chi cục CN&TY phối hợp với VNPT An Giang tổ chức hội thảo để đánh giá kết quả thực hiện, nâng cấp phần mềm quản lý chăn nuôi ngày càng hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu và hiệu quả khai thác” - ThS Nguyễn Thị Xoàn nhấn mạnh.
Các số liệu thống kê trên phần mềm quản lý chăn nuôi là cơ sở để Chi cục CN&TY xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi, cân đối cung - cầu sản phẩm chăn nuôi, định hướng phát triển vật nuôi lợi thế. Tính đến giữa tháng 4/2023, phần mềm cập nhật 62.478 cơ sở chăn nuôi. Nhân viên CN&TY thường xuyên cập nhật trên hệ thống phần mềm khi có thay đổi tình hình chăn nuôi tại địa bàn quản lý (tăng đàn, phát sinh nuôi mới hoặc giảm đàn, nghỉ nuôi). |
NGÔ CHUẨN